Xiếc Việt khẳng định được giá trị?

Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 30/11/2012

(HNM) - Một tuần, khán giả Thủ đô đã đến chật ních sân khấu tròn của Rạp Xiếc TƯ và thỏa mãn với những tiết mục của các diễn viên đến từ 11 quốc gia tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế Hà Nội lần thứ IV-2012.


- Việt Nam chiếm gần nửa số tiết mục tham dự (15/33), áp đảo thế nên giải phải nhiều, thưa ông?

- Đây là liên hoan có số lượng đoàn và tiết mục nước ngoài tham dự đông nhất trong 4 lần tổ chức. Và chúng tôi chọn tiết mục tham dự chứ không chọn đoàn. Các đoàn đều gửi băng ghi hình và thành tích các tiết mục để Hội đồng Nghệ thuật tuyển chọn và chỉ chọn những tiết mục thực sự chất lượng, đẳng cấp. Riêng Liên đoàn Xiếc, chúng tôi cũng phải chấm chọn từ 40 tiết mục mới được 6 màn nghệ thuật để tranh tài.

- Nhưng Việt Nam vẫn giành một trong 4 giải vàng, 4 trong 5 giải bạc, liệu có sự ưu ái cho "người nhà" không ạ?


- Nếu ai đến trực tiếp xem một hoặc tất cả buổi diễn mà so sánh thì sẽ thấy chúng ta không hề được ưu ái. Các tiết mục của Việt Nam không thua kém, thậm chí, sau khi chấm độc lập và ghép điểm, các giám khảo quốc tế còn đề nghị trao thêm 2 giải nữa cho ta nhưng BTC không đồng ý bởi số giải đã đạt 30% tiết mục rồi.

- Nói như vậy liệu có phải các tiết mục dự liên hoan đều nhàng nhàng?

- Xiếc Việt đâu phải bây giờ mới có thương hiệu trên trường quốc tế. Không phải đến liên hoan này chúng tôi mới đoạt nhiều giải, mà 3-4 năm nay, mỗi lần đi thi ở nước ngoài, đoàn Việt Nam đều giành thắng lợi, như các giải thưởng lớn tại Cuba, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nga… Không phải ngẫu nhiên mà Liên hoan Xiếc quốc tế Hà Nội lại thu hút được nhiều đoàn có tiếng tham dự như vậy. Quan trọng là khán giả xem thấy thú vị.

- Ngoài nhiều giải thưởng giành được, theo ông thành công lớn nhất của Liên hoan Xiếc lần này là gì?

- Đó là chúng ta đã tổ chức được một Liên hoan Xiếc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các nghệ sĩ của đoàn Mỹ nói rằng, không ngờ Việt Nam lại tổ chức tốt đến thế. Các buổi diễn đều sắp xếp tiết mục hợp lý, không có bất cứ sự cố nào trong chương trình. Toàn bộ chi phí, ăn ở, lịch tập cho các đoàn đều chu toàn và do chúng ta lo từ nguồn xã hội hóa. Buổi nào cũng chật kín khán giả.

- Vậy điều gì khiến khán giả chưa sẵn sàng bỏ tiền đến xem xiếc thường xuyên, thưa ông?

- Thực ra chúng tôi luôn có tiết mục đạt chất lượng tốt và mới. Như Liên đoàn Xiếc cứ 2 tháng lại thay toàn bộ chương trình, không kể các màn nghệ thuật vào dịp đặc biệt. Nhưng khâu quảng bá còn yếu. Vấn đề nữa là tâm lý người Việt vẫn ngại ngùng, họ cứ cho rằng mình có phải trẻ con đâu mà đi xem xiếc, dẫu tôi chắc rằng ai đến rạp xiếc rồi cũng muốn trở lại. Bởi xiếc không còn đơn thuần là vài trò vui như trước. Mỗi tiết mục là một chương trình nghệ thuật hoàn hảo, có hồn, có nội dung, cả âm thanh, ánh sáng, sân khấu, trang phục, vũ đạo. Xem diễn viên đoàn Mỹ, Mông Cổ biểu diễn thì thấy, họ ngồi xuống cũng theo nhạc, lộn cũng có nhịp… Xiếc Việt Nam cũng đã đạt được điều đó với "Làng tôi", "Đu siêu nhân", "Đứng tay nghệ thuật" hay "Ngày hội Tây Nguyên" và đấy là hướng đi của chúng ta. Tôi mong khán giả hãy đến và thưởng thức chứ đừng suy luận cảm tính.

- Xin cảm ơn ông!

Thụy Du