Hình thành bức tranh giáo dục Thủ đô tương lai
Giáo dục - Ngày đăng : 07:11, 30/11/2012
Theo đánh giá chung, GD-ĐT Thủ đô 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, phát triển đa dạng hóa các loại hình. Tuy nhiên, so với nhu cầu ngày càng cao của người dân và đòi hỏi của quá trình hội nhập, ngành GD-ĐT vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sự phát triển chưa cân đối giữa các địa phương, đặc biệt từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Mạng lưới trường học còn nhiều bất cập, thiếu hợp lý; một số trường học khu vực nội thành có số lượng HS/lớp, số lớp/trường cao hơn nhiều so với quy định… Đáng chú ý, các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là đất xây dựng phòng, trường học đạt chuẩn ở nhiều quận, thậm chí cả ở một số huyện còn thiếu nhiều, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS. Vì thế, quyết định phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển hệ thống và quy hoạch phát triển mạng lưới GD-ĐT đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Hà Nội là vô cùng cấp thiết, tạo cơ chế và căn cứ pháp lý về mọi mặt cho việc ưu tiên đầu tư phát triển GD-ĐT trong suốt chặng đường từ nay đến năm 2030.
Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao hàng đầu trong cả nước.Ảnh: Linh Tâm
Theo kế hoạch tổng thể, từ nay tới năm 2030, Hà Nội sẽ xây mới 1.215 trường học. Diện tích đất dành cho việc xây dựng trường là hơn 12 triệu mét vuông. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 71.000 tỷ đồng, trong đó có tới 60% kinh phí là từ ngân sách, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Mỗi cấp học, mỗi địa bàn đều có những mục tiêu cụ thể nhằm lấp đầy những "lỗ hổng" để hoàn thiện và phát triển hệ thống GD-ĐT địa bàn mình theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn và tiếp cận, hội nhập với GD khu vực, quốc tế. Là huyện có tới 55% số trường đạt chuẩn, song Gia Lâm vẫn còn 7 điểm lẻ mầm non cần xóa và cần bổ sung 18 trường học từ nay đến năm 2030. Quận Hà Đông hiện có 63 trường học, song còn tới gần 70% số trường chưa đạt chuẩn. Các khu đô thị, chung cư trên địa bàn hầu hết đều không có trường công lập nên nhu cầu về chỗ học là rất lớn, nếu không lo kịp sẽ làm nảy sinh nhiều bức xúc.
Giải quyết mối lo quy hoạch treo
Những khó khăn trong việc xây dựng và ban hành quy hoạch phát triển hệ thống và quy hoạch mạng lưới GD-ĐT Thủ đô trong tương lai đã được giải quyết, vấn đề được tập trung bàn thảo là khâu tổ chức thực hiện ra sao để đạt được những mục tiêu đề ra. Các ý kiến tại hội nghị đều khẳng định sự cần thiết vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định rõ vai trò quan trọng của ngành GD-ĐT trong công tác tham mưu, hướng dẫn, định kỳ kiểm tra cơ sở để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh, từ đó mới mong quy hoạch không biến thành quy hoạch treo.
Băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở. Theo thông tin từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thực tế kiểm tra việc thực hiện quy hoạch từ năm 2003 đến năm 2008 đã phát hiện nhiều điểm theo quy hoạch dành cho trường học nhưng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Các khu chung cư, nhà cao tầng khi được phê duyệt đầu tư xây dựng cũng đều có hệ thống trường học công lập, thế nhưng khi đưa vào sử dụng hầu hết lại chỉ có trường tư thục. Kết quả rà soát tại 10 khu đô thị mới đây cho thấy, mới có 27/38 trường học được xây dựng theo quy hoạch, song chỉ có 4 trường công lập.
Giải quyết tình trạng trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngành GD-ĐT đã xác định những nhiệm vụ, cũng là giải pháp then chốt cần bám sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện thời gian tới. Đó là xác định 5 rõ: rõ quan điểm, mục tiêu; rõ lộ trình triển khai; rõ giải pháp thực hiện; rõ trách nhiệm; rõ kinh phí đầu tư. Sở GD-ĐT và 29 phòng GD-ĐT cũng đã thống nhất thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp triển khai quy hoạch, bao gồm xây dựng mạng lưới hợp lý, bảo đảm đủ trường, lớp học cho tất cả HS các cấp học, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm GD-ĐT chất lượng cao hàng đầu trong cả nước. Việc dành quỹ đất cho GD-ĐT, vấn đề nan giải bấy lâu nay ở nhiều nơi cũng đã cơ bản được giải quyết khi được lãnh đạo TP xác định rõ cơ chế, giải pháp cho vấn đề này. Theo đó, việc xây dựng trường học từ nay sẽ sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng. Ngoài ra là tận dụng quỹ đất còn trống; nâng thêm tầng các trường học hiện có trong khu vực nội thành; hạn chế xây dựng chung cư cao tầng tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa; ưu tiên dành quỹ đất để xây trường khi di chuyển các cơ sở sản xuất, trụ sở đơn vị, các trường CĐ, ĐH… trong nội thành ra ngoại thành.
- Lộ trình thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2012-2020): xây mới 635 trường học, trong đó cấp học mầm non chiếm tới 402 trường; giai đoạn 2 (2021-2030): xây mới 580 trường học, trong đó mầm non 322 trường. - Một số mục tiêu của quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục: 50-55% số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; huy động ít nhất 35% trẻ nhà trẻ và 90% trẻ mẫu giáo ra lớp; giảm sĩ số bình quân ở tiểu học, THCS còn 30 HS/lớp, ở THPT còn 40 HS/lớp… |