Toan tính đảo ngược thế cân bằng

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 30/11/2012

(HNM) - Lò lửa Trung Đông đang nóng hầm hập từ nhiều tháng qua nay lại có nguy cơ bị đổ thêm dầu khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai hệ thống phòng chống tên lửa Patriot dọc biên giới của nước này với Syria.


Sự xuất hiện của loại tên lửa tầm xa, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và được thiết kế chống lại các tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay hiện đại tại khu vực nhạy cảm này đang làm nổi lên đồn đoán rằng Mỹ hậu thuẫn cho một vùng cấm bay nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, động thái này lại có thể khiến bất ổn tại Trung Đông lan rộng.


NATO dự định triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Xét trên thực tế, bản thân cuộc khủng hoảng nội bộ của Syria có lẽ đã không thu hút sự chú ý nhiều đến như vậy vì cái cớ "đàn áp thô bạo thường dân" không phải là hiện tượng hy hữu và chỉ xảy ra tại các nước Trung Đông. Song, với vị trí địa - chính trị và chiến lược đặc biệt, bất kể sự thay đổi nào tại Syria cũng có thể ảnh hưởng tới cán cân chiến lược trên bàn cờ khu vực.

Trong lịch sử nói chung từ chiến tranh lạnh đến nay, Mỹ luôn coi Syria là "điểm đến" trong tính toán chiến lược ở Trung Đông. Trừ khoảng thời gian ngắn khi Damascus tán thành đứng cùng các nước Liên minh trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Mỹ luôn xếp Syria vào danh sách "trục ma quỷ" vì có quan hệ chiến lược với Nga cùng nhiều quan điểm ngoại giao khác biệt như sự đối đầu không ngừng của Syria đối với Israel, chiến dịch chiếm đóng quân sự ở Lebanon và gần đây là sự gắn kết với Iran...

Trong khi đó, Nga đã có những đầu tư chiến lược đáng kể ở Syria, vì vậy, Syria không chỉ là một "lá bài" quan hệ quốc tế quan trọng mà còn là khối tài sản có giá của Mátxcơva tại Trung Đông. Về phương diện quân sự, Syria mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho Hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Vì vậy, gần đây, Nga cũng đã bày tỏ cam kết chiến lược với Syria khi các tàu chiến của lực lượng hải quân Nga được phép ghé thăm các căn cứ ở nước này nhằm phát đi tín hiệu Mátxcơva không dễ chấp nhận một bước lùi tại đây.

Còn Trung Quốc, tuy xa về địa lý và cũng không có khả năng biểu dương sức mạnh quân sự như Nga, song đất nước tỷ dân lại có sức mạnh chính trị và kinh tế, có thể tạo đối trọng đặc biệt ở Trung Đông bằng hợp tác và phối hợp với Nga. Điều này được thể hiện rõ qua việc phủ quyết kép của Nga và Trung Quốc gần đây với nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm thay đổi chế độ ở Syria.

Ngay tại chảo lửa Trung Đông cũng có ba đối thủ đang chạy đua chức quán quân chiến lược trong ván bài quyền lực ở Trung Đông là: Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Trong ba đối thủ này, Saudi Arabia - ngoại trừ tiềm năng tài chính - không có được các đặc tính của một cường quốc khu vực tính theo cơ sở dân số và lực lượng quốc phòng. Đối thủ thực sự ở đây là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Thời gian qua, làn sóng chính biến trong khu vực đã được Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng triệt để nhằm hướng tới mục tiêu: một cường quốc khu vực. Đã quá rõ khi có sự thay đổi chính thể ở Syria thì ảnh hưởng của Iran ở khu vực sẽ bị thu hẹp, đồng thời là cơ hội để Ankara tiếp tục tăng cô lập lên Tehran.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh, giành giật ảnh hưởng tại Trung Đông ngày càng gay gắt, việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cờ mang đến khả năng vẽ lại đường ranh giới cho Mỹ và các đồng minh NATO. Đây là lý do khiến dự án "cài đặt lại quan hệ" đầy kỳ vọng được hai quốc gia hạt nhân hàng đầu thế giới Nga - Mỹ khởi xướng cách đây 4 năm rơi vào tình trạng "dự án treo" vô thời hạn. Bóng dáng một cuộc chạy đua vũ trang mới ngày càng hiện hữu khi tất cả các bên đều không từ bỏ toan tính bảo vệ cán cân chiến lược trên bàn cờ địa - kinh tế và chính trị trên thế giới.

Lâm Phương