Thanh niên nông thôn cần được hỗ trợ về việc làm

Đời sống - Ngày đăng : 10:07, 29/11/2012

(HNMO) - Thanh niên nông thôn, đối tượng thường chịu thiệt thòi trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, rất cần được hỗ trợ để tiếp cận cơ hội việc làm.

Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho thanh niên nông thôn đưa tiếng nói của họ tới các nhà hoạch định chính sách. Theo hơn 100 đại biểu trẻ tại diễn đàn, cần có các biện pháp hỗ trợ giúp quá trình tìm việc của họ bớt gian nan và kéo dài.

Bạn Phạm Thị Hải Luyến sống tại huyện Tam Nông cho biết: “Những sinh viên mới ra trường như chúng em rất khó xin việc”. Cô gái 24 tuổi tốt nghiệp Đại học Thương mại Hà Nội này vào tháng 9/2011 tâm sự: “Phần lớn các bạn cùng lớp của em vẫn chưa tìm được việc. Trong số 10 bạn hay chơi với em, chỉ có 3 bạn có việc làm, còn lại là thất nghiệp hoặc phải làm những việc tạm thời lương rất ít”.

Bản thân Luyến cũng đang đi tìm việc ngành nghề kế toán – ngành nghề cô được đào tạo – với mức lương tháng khoảng 4-5 triệu đồng tại tỉnh nhà để đỡ đần gánh nặng cho cha mẹ. Ngoài Luyến, cha mẹ cô hiện vẫn phải nuôi một em trai cũng vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm và một em gái là sinh viên năm thứ hai. Nhưng theo cô, quá trình xin việc không dễ dàng chút nào bởi “các nhà tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm 1-2 năm”.

Thanh niên nông thôn đồng thời cũng mong muốn có được sự kết nối tốt hơn giữa giáo dục và doanh nghiệp để tránh sự khập khiễng giữa những kỹ năng họ được đào tạo trên ghế nhà trường và những kỹ năng mà thị trường lao động thực sự đòi hỏi. Họ muốn được trang bị các kỹ năng “mềm” như khả năng làm việc theo nhóm hoặc các kỹ năng giao tiếp từ trường lớp và các khóa dạy nghề.

Một trong những kiến nghị thanh niên nông thôn đưa ra tại diễn đàn là “Chính phủ nên có các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục và hợp tác với các trung tâm đào tạo, dạy nghề”. Theo các đại biểu, tự tạo việc làm là giải pháp cần thiết cho thanh niên nông thôn nhưng họ rất cần hỗ trợ về tài chính để có thể thực hiện điều này.

Bạn Dương Ngọc Bằng, 24 tuổi, sống tại huyện Phù Ninh cho biết: “Chính quyền địa phương và trung ương cần hỗ trợ về kinh phí cho sinh viên, thanh niên muốn mở doanh nghiệp tư nhân. Nếu họ phải tự làm thì rất khó.”

Các đại biểu thanh niên nông thôn cho biết họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về việc làm, từ thiếu việc, ít được tiếp cận với các thông tin việc làm, lương thấp, thiếu các kỹ năng cần thiết cho tới môi trường làm việc không đảm bào.

Theo anh Nguyễn Xuân Thành thuộc Trung tâm Giới thiệu Việc làm Phú Thọ, phần lớn thanh niên ở tỉnh làm các công việc lao động phổ thông, việc làm theo mùa vụ và kiếm tiền nhỏ lẻ.

“Cần phát triển mạnh các trung tâm giới thiệu việc làm, nên có hệ thống quản lý thanh niên trong độ tuổi lao động, hỗ trợ một phần các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, đầu tư vào các cơ sở dạy nghề trọng điểm và đưa các dự án tạo việc làm về nông thôn,” anh phát biểu.
Các số liệu cập nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy gần một nửa số người thất nghiệp ở khu vực nông thôn là thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24.

Theo các báo cáo của ILO, kể cả những người có việc trong nhóm này, chất lượng việc làm thường không đảm bảo và không được tiếp cận với các nguồn an sinh xã hội.

Bà Loretta Deluca, điều phối viên của ILO về Việc làm Nông thôn và Việc làm Bền vững cho biết: “Thanh niên nữ cũng như nam chính là những cơ hội to lớn của khu vực nông thôn. Họ chính là nguồn động lực để phát triển kinh tế. Chúng ta cần đầu tư vào khu vực nông thôn và thanh niên chính là đầu tàu của quá trình đó”.

“Sự hợp tác giữa các tổ chức, chủ lao động, người lao động và chính thanh niên, chính là chìa khóa để vượt qua các thách thức, tạo thêm nhiều việc làm và việc làm tốt hơn cho thanh niên ở khu vực nông thôn”.

H.T