Thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý
Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 29/11/2012
Nhiều trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác đã bị ngăn chặn.Ảnh: Thái Hiền
Nhiều người không có thẻ BHYT, nhưng muốn khám bệnh với chi phí thấp nên đã tìm mọi cách để "che mắt" cơ quan bảo hiểm. Theo lãnh đạo BHXH huyện Từ Liêm, giám định viên bảo hiểm kiểm tra rất chặt chẽ thẻ BHYT và chứng minh thư ngay từ "đầu vào" nên đã ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp người bệnh dùng thẻ BHYT của người khác. Thẻ BHYT tự nguyện nhân dân khó quản lý hơn đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Tuy số thẻ bị thu hồi ít, mức độ vi phạm chưa nghiêm trọng nhưng đây là vấn đề cần được cảnh báo. Theo điểm 2, Điều 20, luật BHYT, nếu cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám, chữa bệnh sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng và bị tạm giữ thẻ 30 ngày. Ngoài ra, người sử dụng thẻ BHYT phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả. Theo đánh giá thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe nên hiện nay tại Hà Nội nói riêng và địa bàn cả nước nói chung vẫn còn nhiều trường hợp mượn thẻ BHYT để khám bệnh, thậm chí điều trị bệnh lâu dài. Thực tế, cán bộ ngành bảo hiểm chỉ có thể lập biên bản và tạm giữ thẻ BHYT. Với trường hợp thâm hụt ngân sách quỹ BHYT thì chỉ có cách yêu cầu người mượn thẻ BHYT phải bồi hoàn chi phí điều trị đã được BHXH thanh toán, đồng thời bị từ chối thanh toán chế độ BHYT.
Một vấn đề khác nghiêm trọng hơn là việc cho mượn hồ sơ xin việc. Do yêu cầu của các doanh nghiệp khá gắt gao về trình độ học vấn, chuyên môn, tuổi tác, kinh nghiệm nên nhiều người lao động đã mượn hồ sơ của bạn bè hoặc mua hồ sơ tại một số trung tâm việc làm chui với tên khác. Việc làm sai trái trên chỉ bị lộ khi người mượn hồ sơ bị tai nạn lao động, ốm đau, thai sản hoặc thất nghiệp. Cách đây hai năm, chị Hoàng Lan (tỉnh Quảng Ngãi) đã mượn hồ sơ xin việc của bạn để xin làm công nhân tại một doanh nghiệp giày da. Thời gian sau do bị thất nghiệp chị đến cơ quan BHXH để nhận tiền trợ cấp thì không được giải quyết bởi người có hồ sơ thật đã bị thất nghiệp trước đó và đã được giải quyết tiền trợ cấp với số sổ BHXH khác. Trường hợp của anh Đình Trường ở huyện Trảng Bom cho bà con ở quê mượn hồ sơ xin việc để nộp vào một công ty có mức lương cao. Thời gian sau đó, trong khi làm việc, anh Đình Trường bị tai nạn lao động phải điều trị lâu dài và chỉ khi đụng đến các giấy tờ cần thiết để hưởng chế độ BHXH, mới nhận ra việc dùng chung hồ sơ là tai hại.
BHXH cho biết nếu phát hiện các trường hợp mượn BHYT, BHXH của người khác sẽ xử phạt hành chính. Sau đó người lao động sẽ được cơ quan BHXH hướng dẫn điều chỉnh đúng nhân thân của mình trước khi được giải quyết các chế độ BHXH. Trường hợp đã thanh toán các chế độ mới phát hiện không đúng đối tượng thì BHXH thu hồi tiền trợ cấp đã chi trả.
Mới đây, BHXH Đồng Nai đã phát hiện hơn 2.000 NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp dùng hồ sơ không đúng nhân thân. Còn tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua BHXH thành phố đã không giải quyết trợ cấp nhiều thai sản đối với nhiều trường hợp khi tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ và không liên lạc được người cho mượn tên để đến giải quyết trợ cấp. Tại các quận, huyện của Hà Nội, theo các giám định viên, số lao động mượn thẻ BHYT có nhưng được phát hiện kịp thời.
Hiện tại, BHXH các tỉnh thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp thống kê số NLĐ dùng nhân thân giả và gửi hồ sơ này lên BHXH Việt Nam để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nhằm giải quyết hậu quả. Bởi cái khó khăn khiến các cơ quan BHXH vướng phải là chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để xử lý các trường hợp NLĐ không sử dụng đúng hồ sơ nhân thân. Hiện chỉ có quy định xử phạt hành chính với trường hợp cho mượn thẻ BHYT nhưng mức độ chưa đủ răn đe.