Không thể giơ cao, đánh khẽ
Đời sống - Ngày đăng : 07:43, 29/11/2012
Trước thực trạng HS vi phạm các quy định về an toàn giao thông (ATGT) ngày càng tăng; việc sử dụng điện thoại di động để ghi cảnh đánh nhau, vi phạm đạo đức đẩy lên mạng trở thành vấn đề nhức nhối, ngày 15-9-2010, Sở GD-ĐT và Công an TP Hà Nội đã triển khai Quy chế phối hợp số 167/QCPH/SGD&ĐT-CATP về thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. 5 trường THPT đầu tiên được chọn tham gia thí điểm gồm: Việt - Đức, Trần Phú (quận Hoàn Kiếm), Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Kim Liên, Quang Trung (quận Đống Đa). Đây là những trường nằm trên địa bàn có nhiều tụ điểm phức tạp, số lượng HS đông, nhiều HS vi phạm luật khi tham gia giao thông, nhiều HS sử dụng điện thoại. Mô hình quản lý HS đi xe máy và sử dụng điện thoại di động không đúng mục đích sau đó được mở rộng đến 42 trường học ở bốn quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), tạo được những chuyển biến nhất định trong ý thức chấp hành kỷ luật của HS.
Cần nghiêm khắc trong xử phạt học sinh đi xe máy khi chưa đủ điều kiện.
Ảnh: Như Ý
Tính từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2012, theo số liệu của phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội và các nhà trường tổng hợp, có 1.996 trường hợp HS vi phạm về ATGT và sử dụng điện thoại di động không đúng quy định, trong đó số HS vi phạm về ATGT là 1.129 HS. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều thầy, cô giáo, kết quả này mới chỉ là bề nổi, chưa thực sự bền vững. Khảo sát cho thấy có đến 95% HS chưa có bằng lái xe và hơn 70% HS sử dụng điện thoại di động. Trên thực tế, hiện tượng HS đi xe máy vi phạm các quy định về ATGT khá phổ biến, nhất là ở gần các trường học. Để có bằng chứng vi phạm, các nhà trường, lực lượng chức năng đã dành nhiều thời gian, công sức để ghi hình phạt nguội, hoặc theo HS vào từng ngõ ngách. Con số vi phạm cũng tăng, giảm theo tần xuất và mức độ quyết liệt của lực lượng chức năng. Từ đó cho thấy, việc chấp hành quy định của một bộ phận HS phần nào vẫn là đối phó. Hầu hết đều cố gắng ngụy trang để qua mặt lực lượng chức năng bằng cách không mặc đồng phục, mặc áo khoác ngoài hoặc tìm chỗ gửi xe xa khu vực trường.
Vẫn thiếu nghiêm khắc
Quá trình triển khai mô hình thí điểm trong gần hai năm qua cho thấy, một trong những căn nguyên khiến cho tình trạng vi phạm ATGT và sử dụng điện thoại không đúng mục đích của HS vẫn diễn ra là do sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục con trẻ còn lỏng lẻo; đây đó còn tình trạng "kẻ siết", "người lơi". Nhiều phụ huynh viện lý do nhà xa, không có người đưa đón, hay con phải đi học thêm nhiều... để cố tình cho con sử dụng xe máy, điện thoại. Việc cam kết không trông giữ xe cho HS chỉ là hình thức. Các điểm trông giữ xe gần trường, mặc dù đã được chính quyền nhắc nhở, song vẫn tạo điều kiện cho HS gửi xe. Mới có 1/10 trong tổng số các điểm trông giữ xe được các ngành chức năng nhắc nhở tạm thời đóng cửa. Đến nay, chỉ tính trong phạm vi 30 trường học ở diện thí điểm, có tới gần 80 điểm trông giữ xe tồn tại.
Mặc dù thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai, hưởng ứng các giải pháp nhằm giải quyết cơ bản tình trạng HS vi phạm quy định về ATGT và sử dụng điện thoại di động, song đây đó, có trường học vẫn chưa thực sự nghiêm túc trong việc phối hợp xử lý vi phạm. Khi nhận được danh sách HS hay đĩa ghi hình về tình trạng HS vi phạm do công an cung cấp, nhiều trường còn chậm trễ khi báo cáo, không có phản hồi về xử lý vi phạm. Theo thống kê, Phòng cảnh sát giao thông TP Hà Nội đã xử lý 350 trường hợp, lập danh sách gửi các nhà trường, song mới có 45% trong số này báo cáo xử lý vi phạm. Việc tổ chức ghi, gửi hình để phạt nguội mới nhận được sự hưởng ứng từ một số nơi, còn các trường ở địa bàn Hoàn Kiếm, Ba Đình chưa có phản hồi về hình thức xử lý vi phạm. HS vi phạm vì thế, coi thường kỷ luật và dễ tái phạm.
Để hạn chế tối đa những vi phạm trong lĩnh vực này, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, việc nghiêm khắc, quyết liệt trong xử phạt có tác động mạnh tới ý thức chấp hành quy định của HS. Theo đó, nếu vi phạm lần thứ hai thì không thể chỉ bị hạ hạnh kiểm một bậc trong một học kỳ như dự thảo kế hoạch của Sở GD-ĐT đang xây dựng, mà phải hạ hạnh kiểm hai bậc mới đủ sức răn đe. Ngoài ra, HS tái phạm còn bị trả về gia đình giáo dục trong ba ngày, gửi thông báo tới địa phương nơi cư trú.
Sự quyết tâm của các cấp quản lý đã thể hiện rõ. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc đồng thuận, nghiêm túc của cả "ba nhà" (nhà trường - gia đình - xã hội) trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm với những hành động cụ thể, tránh "giơ cao, đánh khẽ".