Tác dụng của “gợi ý kiểm điểm sâu”
Chính trị - Ngày đăng : 06:28, 29/11/2012
Bởi đây là những vấn đề gây bức xúc trong cán bộ, người dân. Chưa thể khẳng định, sau đợt kiểm điểm là hết tiêu cực, hết nhũng nhiễu, hết nảy sinh phức tạp ở tất cả các lĩnh vực, nhưng qua kiểm điểm bước đầu đã làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Ngoài 3 nội dung theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", có thêm 6 nhóm nội dung được BTV Thành ủy yêu cầu lãnh đạo 12 sở, ngành, 4 đảng ủy trực thuộc kiểm điểm sâu. Đó là công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ, trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền; tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên; việc phân bổ ngân sách, nguồn kinh phí dự phòng, định giá đất, bán nhà, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; công tác quy hoạch, quản lý đất đai, cấp phép, trật tự xây dựng; công tác cải cách hành chính, thi tuyển công chức, viên chức; thực thi pháp luật… Đối với 19 quận, huyện, thị ủy có 4 nhóm nội dung phải giải trình: việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt của BTV, công tác cán bộ, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; công tác lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, lần kiểm điểm này phải làm rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo các lĩnh vực quản lý đô thị, đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, GPMB; xử lý sai phạm về đất đai; giải quyết đơn thư KNTC…
Việc cấp trên chỉ rõ hiện tượng, yếu kém của cấp dưới và yêu cầu làm rõ so với việc để cấp dưới "tự nhận" khuyết điểm rõ ràng mang lại hiệu quả cao hơn. Cấp dưới muốn né tránh khuyết điểm cũng khó, chưa nói đến không nhận khuyết điểm, kiểm điểm không đạt yêu cầu phải làm lại cho đạt mới thôi. Đây chính là tác dụng của việc gợi ý kiểm điểm sâu.
Theo ghi nhận của các tổ công tác do Thành ủy thành lập để theo dõi, đôn đốc việc kiểm điểm của cơ sở, hầu hết các đơn vị được gợi ý kiểm điểm sâu đã nghiêm túc xây dựng báo cáo kiểm điểm, báo cáo giải trình, nêu rõ các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, trách nhiệm của tập thể BTV, lãnh đạo, cá nhân phụ trách từng lĩnh vực, từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, sát thực, khả thi để khắc phục sau kiểm điểm. Khắc phục tình trạng đổ lỗi chung chung, các đơn vị đã chỉ rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Đảng ủy khối Công nghiệp đã xử lý kỷ luật một cán bộ vi phạm chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên; chấm dứt hợp đồng với một cán bộ khác vi phạm pháp luật. Đảng ủy CATP làm rõ những biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt thường vụ cấp ủy, tình trạng chạy chức, chạy quyền ở các cấp CATP để có biện pháp ngăn chặn. Các sở, ngành đã rà soát những khâu "có vấn đề" để chấn chỉnh như Sở Kế hoạch - Đầu tư khắc phục ngay tình trạng phê duyệt dự án BT và dự án đầu tư không phù hợp quy định của pháp luật; tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, người dân. Sở Nội vụ cũng có những giải pháp chặn "kẽ hở" trong thi tuyển công chức; Sở Tài nguyên - Môi trường làm rõ sai phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất dự án… Một số quận, huyện ủy: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Mê Linh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn cùng với giải trình nội dung kiểm điểm sâu đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và xây dựng biện pháp khắc phục.
Tác dụng của việc kiểm điểm sâu còn giúp cho mỗi cá nhân BTV cấp ủy, lãnh đạo sở, ngành, đơn vị tự giác xem xét, nhìn lại bản thân cả về ưu điểm, khuyết điểm để có sự điều chỉnh hợp lý, nâng cao ý thức, trách nhiệm trước công việc. Sự chuyển biến đó không chỉ có lợi cho bản thân người đứng đầu, cho cơ quan, đơn vị và hơn hết là vì người dân.
Thế nhưng, theo phản ánh của các tổ công tác, đáng tiếc vẫn còn tình trạng nặng về đánh giá thành tích; nêu hạn chế, khuyết điểm hết sức chung chung, không có địa chỉ rõ ràng. Việc chuẩn bị bản kiểm điểm của tập thể không đạt yêu cầu, phải chuẩn bị lại như Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (một trong 12 sở, ngành được BTV Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu). Có đơn vị, khi thảo luận về nguyên nhân dẫn tới yếu kém, khuyết điểm còn đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, không thừa nhận khuyết điểm đó do chính đội ngũ cán bộ, công chức của mình. Điều đó chứng tỏ, tập thể và bản thân những đồng chí trong tập thể lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, đơn vị đó chưa thực sự nhìn thẳng vào sự thật để thừa nhận yếu kém, khuyết điểm, thiếu thẳng thắn, tính chiến đấu chưa cao. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định tại hội nghị sơ kết kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các đảng ủy trực thuộc, sở, ngành của thành phố: "Điều đáng lo nhất là không nghe được những lời góp ý chân thành; nếu như trong nội bộ chưa thật sự dân chủ, chưa thực sự tin nhau, người góp ý sợ bị trù dập, lỗi đó thuộc trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu chứ không riêng người không dũng cảm phê bình". Điều này các cấp ủy, sở, ngành cần nhìn nhận nghiêm túc để rút kinh nghiệm trong thực hiện những việc cần làm ngay sau kiểm điểm Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).