Sẽ giải quyết nhiều vấn đề bức xúc

Giáo dục - Ngày đăng : 06:15, 29/11/2012

(HNM) - Ngày 28-11, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng một số trường học về quy định dạy thêm học thêm (DTHT).

Đây là lần thứ hai, Sở GD-ĐT tổ chức hội thảo về vấn đề này nhằm hoàn thiện văn bản quy định về quản lý DTHT trước khi trình UBND TP phê duyệt. Các ý kiến góp ý tại hội thảo lần này thể hiện sự quyết tâm của ngành GD-ĐT trong việc giải quyết những bức xúc dai dẳng về DTHT, song cũng cho thấy, đây là việc không dễ. 

Việc dạy thêm và học thêm cần được giám sát và quản lý chặt chẽ. Ảnh: Linh Tâm

Lấp dần những kẽ hở

So với bản dự thảo lần một, văn bản lần này của Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều nội dung chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đơn cử như ở Điều 7 quy định về việc thu, sử dụng và quản lý tiền học thêm. Nhận thức đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, dễ gây bức xúc trong dư luận, Hà Nội đã nêu rõ những căn cứ để cá nhân, đơn vị thuận tiện khi triển khai, là cơ sở pháp lý để các cấp có trách nhiệm giám sát, xử lý khi phát hiện sai phạm. Đây cũng là những nội dung được cụ thể hóa thêm một bước so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về DTHT. Theo đó, việc quản lý, sử dụng tiền học thêm sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

So với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo quy định của Hà Nội còn bổ sung phần hướng dẫn cơ sở khi thực hiện việc sử dụng, quản lý tiền DTHT, hạn chế những băn khoăn, bức xúc trong nội bộ đơn vị và dư luận xã hội. Cụ thể: "mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng giáo dục nhà trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm của đơn vị". Phản hồi trước một số ý kiến cho rằng nên định ra một mức thu tiền học thêm thống nhất trên toàn địa bàn Hà Nội để tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", khó kiểm soát như đã từng diễn ra, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang cho biết để định ra mức thu thì cần phải thông qua HĐND, Sở không đủ thẩm quyền về việc này. Thực tế, đây là việc khó, tham khảo quy định của một số địa phương về DTHT cũng không có việc này. Hơn nữa, Nghị định 43/2006/NĐ-CP đã quy định rất rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục. Để kiểm soát chặt chẽ việc thu, sử dụng kinh phí DTHT, Hà Nội còn bổ sung yêu cầu phải thông qua hội đồng nhà trường, ghi vào sổ sách để quản lý minh bạch, công khai và công bằng, tránh tình trạng chi cho bộ phận này, vị trí kia quá nhiều, không hợp lý hoặc làm nảy sinh những thắc mắc liên quan đến vấn đề tài chính.

Một điểm mới trong dự thảo quy định của Hà Nội lần này là quy định chi tiết về mức độ xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật đối với từng hành vi sai phạm cụ thể trong DTHT, tránh tình trạng nêu chung chung, làm giảm sức răn đe như dư luận từng e ngại.

Chấm dứt DTHT ở tiểu học

Để giải quyết những bức xúc dai dẳng trong dư luận xã hội về tình trạng DTHT, nhất là ở cấp tiểu học như kết quả khảo sát tại một số địa phương và những phản ánh trên báo chí thời gian qua, dự thảo quy định của Hà Nội lần này đã thống nhất việc cấm DTHT ở cấp tiểu học. Việc cấp phép cho các trường hợp tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình tiểu học tại Hà Nội cũng sẽ bị cấm hoàn toàn nếu như văn bản này được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đây là nội dung hoàn toàn mới và chặt chẽ hơn so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Điều này thể hiện sự kiên quyết, nghiêm túc của ngành GD-ĐT Hà Nội trong việc giải tỏa những bức xúc của phụ huynh có con ở cấp học này suốt thời gian qua về những áp lực và mối lo tốn kém thời gian, kinh phí khi buộc phải tự nguyện học thêm.

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho biết nhằm hạn chế tình trạng mập mờ, lợi dụng việc tổ chức các hoạt động trong trường để DTHT, các mô hình như trông giữ trẻ, bồi dưỡng về nghệ thuật, TDTT, rèn luyện kỹ năng sống, dạy hai buổi/ngày ngoài nhà trường ở những nơi không đủ điều kiện cơ sở vật chất song phụ huynh lại có nhu cầu… bắt buộc phải có đề án và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu sự giám sát chặt chẽ.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng khẳng định: HS tiểu học không cần học thêm. Vì vậy, việc xóa bỏ hoàn toàn DTHT ở cấp học này là cần thiết nhằm giảm những áp lực không đáng có, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Tuy vậy, cũng có ý kiến còn băn khoăn: Liệu có xóa bỏ được hoàn toàn việc DTHT ở tiểu học hay không?

Thực tế cho thấy, việc cấm DTHT ở tiểu học không phải là việc không thể. Kinh nghiệm từ Cầu Giấy và một số đơn vị trong việc quản lý thành công mô hình nhóm, lớp trẻ gia đình nhiều năm qua cho thấy, việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội cùng giám sát hoạt động của ngành GD-ĐT là cần thiết. Rõ ràng, vai trò và trách nhiệm trước tiên về quản lý DTHT phải là hiệu trưởng, nơi có giáo viên dạy thêm. Đây là điều không được Bộ GD-ĐT đề cập trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, song là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế. Ngoài ra còn cần huy động sự tham gia của thành viên hội đồng giáo dục tại địa phương, chính quyền cơ sở, trong đó không thể quên vai trò của các tổ chức, đoàn thể như tổ dân phố, hội phụ nữ, cựu chiến binh… Nếu biết phát huy năng lực và trách nhiệm của lực lượng này, thì đây thực sự là những "chân rết" tích cực tại cơ sở, giúp những người có trách nhiệm giám sát, quản lý và đưa hoạt động DTHT vào nền nếp, hạn chế những hành vi tiêu cực.

Thống Nhất