Làm rõ ”nhóm lợi ích”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:02, 29/11/2012
Bí thư Thành ủy nhận định: Có đơn vị được gợi ý kiểm điểm sâu, khi báo cáo giải trình chỉ phân tích nguyên nhân khách quan là chủ yếu mà không thấy rõ khuyết điểm do chính đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời chưa chỉ ra được địa chỉ bộ phận, cán bộ có vi phạm. Có đơn vị qua kiểm điểm đã thừa nhận hiện tượng chạy chức, chạy quyền là có thật, song chưa chỉ ra được con người cụ thể…
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, rất nhiều vấn đề đã được cử tri đặt ra. Nhiều cử tri cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập đến "nhóm lợi ích" và tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã thẳng thắn thừa nhận "có lợi ích nhóm" trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo Thống đốc, thanh tra ngân hàng đã thấy nổi lên vấn đề có nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong tổ chức tín dụng… tuy nhiên những "nhóm lợi ích" này chưa được gọi tên cụ thể.
Những con tàu khổng lồ hàng trăm ngàn tấn như một niềm kiêu hãnh của nền đóng tàu Việt Nam như Sea Eagle, Vinashin Atlantic, Green Sea, Hoa Sen… đang trở thành "bóng ma" trên những bến cảng và đang tan dần vào biển nhưng mỗi ngày vẫn phải tốn bao tiền của để trông coi và trả nợ lãi là do đâu? Do công tác quản lý các tập đoàn lỏng lẻo, yếu kém? Do cơ chế còn nhiều bất cập? Do quan liêu trong công tác bổ nhiệm cán bộ?... Hoàn toàn đúng! Nhưng đằng sau đó còn là gì nữa? Người dân cho rằng những gì mà Tập đoàn Vinashin gây ra đối với nền kinh tế và đời sống xã hội không chỉ liên quan đến một nhóm người trong một cơ quan, đơn vị.
Tham nhũng hình thành cùng quyền lực, gắn với chạy chức, chạy quyền và các "nhóm lợi ích". Các "nhóm lợi ích" câu kết với nhau, bảo vệ lẫn nhau. "Nhóm lợi ích" càng lớn, càng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và nhân dân. Điều mà người dân quan tâm hiện nay là những địa chỉ cụ thể, là những ai, những "nhóm lợi ích" nào đang tàn phá nền kinh tế, đang gây mất lòng tin của nhân dân với chính quyền? Thế nhưng nhiều cấp, nhiều ngành vẫn chưa chỉ ra được những địa chỉ, những con người cụ thể vì nhiều lý do.
Thẳng thắn đấu tranh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là giải pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, bộ máy chính quyền của nhân dân. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: "Những kết quả của tự phê bình và phê bình vừa qua mới là bước đầu"… Đồng thời, Bí thư Thành ủy nhận định: Tự phê bình và phê bình là một cuộc đấu tranh nội bộ, đấu tranh trong mỗi con người hết sức khó khăn gian khổ. Vì vậy phải có tinh thần dũng cảm, kiên trì. Có nhiều người đồng tình, ủng hộ, tự giác thực hiện; nhưng cũng có cả không ít lực cản…
Tham nhũng là một trong những thuộc tính của xã hội có nhà nước. Do vậy, phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước không phải là việc có thể giải quyết trong ngày một ngày hai mà là cuộc đấu tranh bền bỉ. Trong cuộc đấu tranh ấy rất cần lòng dũng cảm của mỗi cán bộ đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu mỗi cơ quan đơn vị. Nhân dân hy vọng Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc và mong chờ những người có tâm huyết, có trách nhiệm với dân, với nước làm tốt hơn, trọng trách mà nhân dân gửi gắm: Lật tẩy những "nhóm lợi ích" đang tàn phá xã hội.