Bài 2: Còn những “khoảng trống” chính sách

Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 28/11/2012

(HNM) - Hôn nhân xuyên quốc gia là một xu hướng khó tránh trong xu thế toàn cầu hóa. Kết hôn hay không kết hôn với người nước ngoài là quyết định của mỗi cá nhân, là quyền của mỗi người và quyền này được pháp luật bảo vệ. Nhưng làm gì để giảm thiểu những tiêu cực về mặt xã hội và những rủi ro cho cá nhân người phụ nữ?

Nói một cách công bằng, nhờ những cuộc hôn nhân xuyên biên giới, một bộ phận nông dân đã "đổi đời" có nhà cửa khang trang, có kinh tế khấm khá hơn, thu nhập cao hơn; một số không ít phụ nữ có cơ hội về việc làm, thu nhập... Tuy nhiên, hình thái kết hôn này cũng để lại không ít hệ quả tiêu cực. Đối với bản thân các cô dâu Việt, do không có sự chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho cuộc sống sau hôn nhân ở nơi xa lạ nên họ khó có khả năng hòa nhập với nhà chồng. Rào cản ngôn ngữ đã trở thành trở ngại lớn cho cuộc sống vợ chồng, dẫn đến xung đột văn hóa giữa hai bên, khiến cho các mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình trở nên trầm trọng vì cơ hội để giải tỏa mâu thuẫn, để thấu hiểu văn hóa lẫn nhau vô cùng hạn chế. Sự lệ thuộc kinh tế đem đến không ít bi kịch cho những phụ nữ Việt lấy chồng nước ngoài, nhất là những người có ảo tưởng và động cơ lấy chồng vì lợi ích tiền bạc. Không hiếm các hiện tượng bạo hành người vợ cả về thể xác lẫn tinh thần đã xảy ra và cái giá phải trả là đổ vỡ hôn nhân, thậm chí là cả tính mạng của những người vợ và những đứa con. Phụ nữ Việt khi "về nhà chồng" còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhập quốc tịch. Theo thống kê mới nhất, chỉ có 6,37% số cô dâu Việt được nhập quốc tịch Hàn Quốc tính đến cuối tháng 3-2010 và con số này ở Đài Loan (Trung Quốc) là khoảng trên 30%. Không có quốc tịch đồng nghĩa với việc bị hạn chế quyền công dân trên nhiều lĩnh vực; đơn giản nhất, có thể bị chồng đuổi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào.


Lớp dạy tiếng và văn hóa Hàn Quốc cho cô dâu Việt tại Trung tâm Hỗ trợ lao động nước ngoài Uijeongbu tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.


Cô dâu Việt cũng chịu nhiều định kiến và phân biệt đối xử. Khi đi làm bao giờ cũng được nhận tiền công ít hơn so với công nhân địa phương. Đơn cử một công nhân là cô dâu Việt chỉ được trả 200 USD/tháng, trong khi các công nhân khác được trả 700 USD. "Kẻ đào mỏ" là biệt danh được "dành cho" các cô dâu ngoại quốc. Họ bị coi thường vì xuất thân là những người nghèo, người có thu nhập thấp và bị ngay cả chính người chồng, những người cũng có thu nhập thấp coi như một món đồ mua về. "Kết quả" của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới là những đứa con lai cũng phải nhận sự đối xử không khác gì mẹ của chúng.

Tình trạng gia tăng số thiếu nữ Việt LCNN còn tác động tiêu cực đến vấn đề hôn nhân và cơ cấu giới tính của các địa phương. Phong trào lấy chồng ngoại lây lan nhanh chóng đã ảnh hưởng đến việc kết hôn của nam giới tại các địa phương. Nam giới khó tìm vợ, phải đi tìm các đối tượng kết hôn ở các tỉnh xa và điều này gây ra những bức bối trong dư luận xã hội tại các địa phương có nhiều thiếu nữ lấy chồng ngoại.

Làm gì để giảm thiểu các hệ quả xã hội tiêu cực?


Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm, Viện Gia đình và Giới, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã siết chặt các quy định về thủ tục đăng ký kết hôn, nhưng vẫn còn những kẽ hở khiến những thủ tục giúp bảo vệ quyền lợi cho cô dâu Việt bị vô hiệu hóa. Ví dụ như yêu cầu đương sự hai bên phải có mặt làm thủ tục mà không qua người môi giới nhưng các cặp kết hôn đã lợi dụng thủ tục ghi chú kết hôn để "lách". Hiện nay, hoạt động tư vấn của các trung tâm hỗ trợ hôn nhân thiếu tính bền vững và tính liên tục, do thiếu kinh phí hoạt động nên chỉ thực hiện theo từng chiến dịch, trên một số địa bàn có dự án và thông thường sẽ lắng xuống khi dự án kết thúc. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm đánh giá, việc thiết lập các trung tâm tư vấn hỗ trợ kết hôn theo nghị định 68/2002-NĐCP là các trung tâm hoạt động theo nguyên tắc nhân đạo, phi lợi nhuận không phải là một phương án hoàn hảo mà còn mang tính chất hình thức và duy ý chí.

Nhu cầu kết hôn qua môi giới của một bộ phận phụ nữ Việt Nam và nam giới các nước là có thật. Vì thế, việc cấm các hoạt động môi giới hôn nhân chỉ thêm thúc đẩy giao dịch môi giới hôn nhân ngầm. Theo các nhà nghiên cứu, trong điều kiện hiện nay, Nhà nước nên thử nghiệm, học tập kinh nghiệm ở các nước để cho phép thành lập các công ty môi giới hôn nhân. Bằng cách này, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý mới có thể giám sát quản lý loại hình kinh doanh này và có chế tài xử phạt thích hợp với những trường hợp vi phạm.

Một giải pháp không khó triển khai được các nhà nghiên cứu nêu lên là các cô dâu Việt, trước khi làm thủ tục đăng ký kết hôn phải được cung cấp lý lịch tư pháp của người chồng tương lai, được tư vấn đầy đủ về quyền công dân, được cảnh báo về những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Những thông tin này nếu được làm sáng tỏ sẽ góp phần giúp đỡ các thiếu nữ có được những hiểu biết cần thiết trước khi quyết định kết hôn.

Nếu con đường "di cư kết hôn" quá nhiều rủi ro thì cách giúp đỡ hữu hiệu lại càng không phải là cấm đoán. Không ai có thể quyết định thay người phụ nữ nên kết hôn hay không. Chính vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là phải tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ có đủ thông tin, có tri thức và có đủ sự tự tin để có được những quyết định đúng đắn.

Vũ Hoa