Để lễ cưới, việc tang không còn là nỗi lo
Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 28/11/2012
Thực tế, tại các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội đã từng có nhiều đám cưới tổ chức ăn uống vài trăm mâm cỗ trong mấy ngày liền. Những "siêu đám cưới" này là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, từ quan niệm "trả nợ miệng". Đối với việc tang còn đáng buồn hơn, người chết vừa nằm xuống, gia đình đã phải lo cỗ bàn, ăn uống, có đám tang làm tới cả trăm mâm cỗ trong 3 ngày khiến gia chủ vô cùng mệt mỏi. Những đám cưới, đám tang như vậy không chỉ gây lãng phí tiền của, mà còn để lại nhiều hệ lụy buồn.
Một đám cưới ở ngoại ô. Ảnh: Trí Minh |
Nhiều gia đình kinh tế khó khăn càng thêm khốn đốn. Biết vậy, nhưng không mấy ai dám bỏ bởi tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người dân. Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội ra đời đã từng bước giúp các địa phương xóa bỏ tập tục cưới phô trương, lãng phí. Bà Đỗ Thị Năm (Hội ND quận Hà Đông) cho hay: Khi Chỉ thị 11 của Thành ủy ra đời, Hội ND Hà Đông xác định đây là một nội dung cần phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục đi đôi với giám sát nhắc nhở. Hội ND quận Hà Đông chỉ đạo các phường triển khai việc cưới, việc tang văn minh tới 100% hội viên nông dân, bước đầu đã được người dân hưởng ứng. Từ đầu năm tới nay, trên 80% số đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông được tổ chức văn minh, tiết kiệm. Ngày càng có nhiều đám cưới dùng thiếp báo hỷ, tổ chức liên hoan bánh kẹo, tiệc trà.
Huyện Đông Anh là một trong những huyện ngoại thành thực hiện tốt cuộc vận động "Việc tang văn minh, tiến bộ". Trao đổi về kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Như Đua, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đông Anh chia sẻ: Từ cuối năm 2008, huyện Đông Anh quyết tâm xóa bỏ những hủ tục trên với 4 nội dung cụ thể: giảm ăn uống linh đình, xóa bỏ các hủ tục, quy hoạch nghĩa trang và thực hiện hỏa táng. Huyện đã tổ chức hơn 200 buổi tuyên truyền về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ cho 16.870 lượt người; phát 75 nghìn tờ rơi đến từng hộ gia đình; tổ chức lấy hơn 52 nghìn lượt ý kiến... dư luận hết sức ủng hộ chủ trương của huyện
Để chính sách của Đảng đi vào cuộc sống, lãnh đạo huyện Đông Anh xác định, cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan phải đi trước thực hiện, đặc biệt là cán bộ cấp xã, thôn gương mẫu để bà con noi theo. Chủ trương hợp lòng dân, một loạt các xã như Liên Hà, Nam Hồng, thị trấn Đông Anh, tỷ lệ hỏa táng đạt hơn 80%. Một số thôn, làng có tỷ lệ hỏa táng đạt 100% như thôn Lỗ Khê, thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà); thôn Vệ (xã Nam Hồng)... Bên cạnh chính sách chung của thành phố, huyện Đông Anh còn hỗ trợ 3 triệu đồng, xã hỗ trợ 1-2 triệu đồng/trường hợp hỏa táng nên được người dân đồng tình ủng hộ.
Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho rằng, chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền việc cưới, việc tang văn minh là nội dung đáp ứng được mong mỏi của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong toàn thành phố. Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU được coi là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của Hội ND thành phố Hà Nội trong thời gian tới. Hội ND Hà Nội quyết tâm thực hiện bằng được những việc làm cụ thể như: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc cưới, việc tang văn minh trong các cấp hội và tổ chức nhiều hội nghị quán triệt tinh thần Chỉ thị 11 của Thành ủy tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nội dung này trong các cấp hội. Các cấp hội phát huy vai trò đại diện cho giai cấp nông dân trong việc giám sát thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU đối với cán bộ, đảng viên tại địa phương; phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những trường hợp vi phạm Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy.