Khuyến khích hợp tác công - tư trong đào tạo nghề

Kinh tế - Ngày đăng : 16:47, 27/11/2012

(HNMO) - Ngày 27/11, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Nâng cao hiệu quả hợp tác công-tư trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan.

Các chuyên gia đã trao đổi thông tin, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề gồm trang bị nghề nghiệp và kiến thức liên quan cho người lao động, nhất là với lao động trẻ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định về sức hấp dẫn và khả năng thu hút đầu tư trước cộng đồng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Công tác đào tạo nghề cần được quan tâm, đầu tư nghiên cứu và triển khai một cách bài bản; đáp ứng yêu cầu, xu hướng sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và tương lai gần; từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần ổn định, an sinh xã hội. Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản là một nước công nghiệp nên càng có nhu cầu phát triển nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, đa dạng, chú trọng đội ngũ lao động lành nghề. Dự kiến, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020. Năm 2015, cả nước sẽ có 190 trường cao đẳng dạy nghề và con số này tăng lên 230 vào năm 2020.

Các chuyên gia cũng nêu thông tin tham khảo về hợp tác công-tư trong đào tạo nghề ở Nhật Bản, với một số thành tựu đáng ghi nhận để nhà quản lý trong nước rút kinh nghiệm. Nếu khai thác tốt mô hình này, Nhà nước sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát huy hết tiềm năng về vốn, trình độ quản lý, chuyên môn…tạo ra sản phẩm đào tạo có giá thành thấp, chất lượng bảo đảm; mang lại lợi ích cho xã hội, nhà đầu tư cũng như người học nghề.

Hồng Sơn