Hợp tác phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 27/11/2012
Kết quả rất đáng chú ý này đã mở ra xu hướng hợp tác, liên kết mới, chính thức và bài bản hơn cho các tỉnh, thành phố trong vùng. Tuy nhiên, những hạn chế còn rất phổ biến trong việc hợp tác vùng ĐBSH hiện nay là thử thách đáng kể trong việc thực hiện bản thỏa thuận hợp tác mới.
Một trong những nội dung hợp tác quan trọng và cấp thiết nhất trong vùng là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, nhất là giao thông còn khá rời rạc. Nhiều tuyến quốc lộ, tuyến đường liên tỉnh có tiến độ xây dựng không đồng đều, nơi sớm, nơi muộn. Có nơi đã có dự án, nơi lại chưa. Điển hình là các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 1A cũ hay nhỏ hơn như tuyến đường đê sông Hồng từ Hà Nội đi Hưng Yên (đường bên Hưng Yên đã mở rộng, nhưng từ Hưng Yên đến cầu Chương Dương vẫn như cũ). Công trình cảng Lạch Huyện ở cửa sông Bạch Đằng, bên Hải Phòng thì phát triển mạnh, còn bên Quảng Ninh thì "im lặng". Đây là sự lãng phí và là sự yếu kém trong liên kết, hợp tác liên tỉnh (bao gồm cả trách nhiệm của các bộ, ngành TƯ). Hạn chế trong hợp tác đã khiến nhiều người lo lắng, liệu các dự án tương lai trong vùng như đường Vành đai 4, Vành đai 5, tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, tuyến đường "di sản" Mỹ Đình (Hà Nội) - Ba Sao (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình)… có vấp phải tình trạng tương tự.
Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, một điểm tham quan hấp dẫn các du khách. |
Nhiều lĩnh vực hợp tác khác trong vùng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hợp tác giải quyết ô nhiễm môi trường còn chậm, điển hình là dự án xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy. Hợp tác về bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chưa đồng bộ, kém thường xuyên, nhất là vùng giáp ranh. Một số đại biểu các tỉnh dẫn chứng việc xử lý các sai phạm trong khai thác cát sỏi trái phép vùng giáp ranh còn bỏ trống, nhiều chủ tàu vi phạm cứ bị phạt ở tỉnh này, lại chạy sang tỉnh tiếp giáp. Hợp tác phát triển du lịch mới ở giai đoạn "sơ khai", chưa hình thành được các tuyến du lịch liên tỉnh trong vùng, trong khi tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành trong vùng không có gì phải bàn cãi.
Trong khi đó, hợp tác xây dựng quy hoạch, một nội dung có tính chất quan trọng hàng đầu, cũng chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh dẫn chứng: "Tôi thấy 4-5 tỉnh trong vùng đều quy hoạch khu đại học rộng cả ngàn héc ta nhưng đều không đi đến đâu. Hay như đầu tư dạy nghề cũng vậy, ở tỉnh, thành phố nào cũng xây dựng trường, đào tạo nghề, nhưng đều ở quy mô nhỏ, không đem lại kết quả toàn diện. Các tỉnh, thành trong vùng hoàn toàn có thể "ngồi lại với nhau" để vừa giảm bớt sự trùng lặp, chồng chéo vừa bổ trợ cho nhau". Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng, vùng ĐBSH đến nay chưa có quy hoạch phát triển KTXH là thiếu sót lớn, không có quy hoạch sẽ không biết ai làm gì, không nên làm gì.
Ngoài các yếu tố khách quan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã chỉ ra một loạt nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng hạn chế trong hợp tác giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH. Trong đó, nguyên nhân chính là chưa rõ cơ chế lãnh đạo, phối hợp chung toàn vùng theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm ANQP vùng ĐBSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cơ chế phân công thực hiện của các bộ, ngành chưa nghiêm túc, hiệu quả. Cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn thiếu. Đây cũng là nhận định của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, cho rằng: "11 tỉnh, thành phố là 11 đơn vị hành chính độc lập, nếu không có sự điều phối thì sẽ rất khó phối hợp ăn ý, nguồn lực của đất nước vốn đã hạn hẹp lại càng bị phân tán".
Việc thông qua và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 11 tỉnh, thành phố cho giai đoạn 2012-2020 là thành công bước đầu trong việc thúc đẩy hợp tác trong vùng. Nhưng như phân tích ở trên, để hỗ trợ cho việc thực hiện bản thỏa thuận đạt hiệu quả cao, các tỉnh, thành vùng ĐBSH cần hình thành được cơ chế hợp tác có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm giữa các tỉnh, thành phố với nhau. Bên cạnh đó là yêu cầu cấp bách về một bản quy hoạch phát triển KTXH chung của vùng. Hội nghị đã thống nhất báo cáo và kiến nghị TƯ về hai nội dung trên, trong đó sẽ đề nghị lập Ban chỉ đạo về thực hiện Nghị quyết số 54 để điều phối hợp tác trong vùng.
Tuy nhiên, trong lúc chờ có được những cơ sở hỗ trợ quan trọng đó, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH vẫn có thể thực hiện tốt bản thỏa thuận trên tinh thần chủ động và trách nhiệm, trên tinh thần vừa tự nguyện vừa bắt buộc như ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Cơ sở bắt buộc ở đây chính là trách nhiệm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị và mới nhất là Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình và Vĩnh Phúc. Đây là khu vực kinh tế năng động và có vai trò động lực đối với kinh tế đất nước: Dự báo tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay của vùng khoảng 8,5-9%; thu ngân sách ước đạt 167.353 tỷ đồng (dự kiến cả năm thu ước đạt 265.641 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch). |