Góc nhìn cải cách: Không thể chậm trễ
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 27/11/2012
Theo Quyết định 84, TP yêu cầu: "Giám đốc sở, ban, ngành; chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, xử lý, trình ký, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan". Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn một số đơn vị chưa ban hành quy chế phối hợp giữa các phòng, đơn vị trong giải quyết hồ sơ hành chính cũng như chưa ban hành quy trình giải quyết đối với từng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, số TTHC giải quyết tại các phòng chuyên môn còn nhiều. Có đơn vị vẫn còn tới vài chục TTHC giải quyết tại phòng chuyên môn. Đáng chú ý là việc không thực hiện giải quyết theo cơ chế "một cửa" không hẳn do các đơn vị không có điều kiện mà còn do đơn vị có... quan điểm riêng. Trong cuộc họp giao ban với Sở Nội vụ và UBND TP, đại diện những đơn vị này cho biết, có một số thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, lao động - thương binh và xã hội... việc giải quyết tại phòng chuyên môn sẽ nhanh chóng hơn, tiết kiệm hơn là phải "đi vòng" qua trung gian là bộ phận "một cửa". Vì thế, dù TƯ và TP đã quy định song đơn vị vẫn... làm theo cách riêng. Điều đáng nói là trong những đơn vị này lại có các đơn vị khá tích cực đầu tư cho bộ phận "một cửa", nhưng lâu nay vẫn song song thực hiện giải quyết TTHC tại hai nơi: bộ phận "một cửa" và phòng chuyên môn.
Không thể phủ nhận cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đã nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; giảm phiền hà, chi phí và góp phần chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, phần lớn các tỉnh, TP đề nghị Chính phủ tiếp tục cho duy trì mô hình "một cửa" tập trung như hiện nay (44 tỉnh đề nghị duy trì như hiện nay, 5 tỉnh đề nghị theo mô hình "một cửa" tại phòng chuyên môn và 14 tỉnh không có ý kiến gì). TP Hà Nội cũng vừa ban hành Quyết định số 5043/QĐ-UBND của UBND về việc ban hành "Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính TP Hà Nội, giai đoạn 2012-2016". Theo đó, TP quyết tâm thực hiện đồng bộ cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại từng cơ quan theo sự chỉ đạo của UBND TP. Chỉ tiêu TP đưa ra là: 100% các TTHC có liên quan đến tổ chức và cá nhân đều được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".
Hướng chỉ đạo của TƯ và TP đều đã rất rõ ràng. Đã đến lúc các đơn vị cần nhìn nhận đúng hiệu quả của cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" để thực hiện đúng quy định. Không thể mãi duy trì "quan điểm riêng", kéo chậm tiến trình thực hiện cải cách hành chính của TP.