Lấy chồng nước ngoài và những hệ lụy đau lòng
Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 27/11/2012
Nhưng cũng còn đó những kết cục không tốt đẹp của các cuộc hôn nhân "vượt biên giới" như trường hợp một phụ nữ tuần qua đã ôm hai con nhảy từ tầng 18 một chung cư ở Busan (Hàn Quốc) để tìm lối thoát cho cuộc hôn nhân bế tắc là một ví dụ đau lòng…
Bài 1: Khi kết hôn không là… hôn nhân
Các nhà nghiên cứu xã hội học đã gọi những cuộc hôn nhân giữa cô dâu Việt và chú rể nước ngoài chủ yếu qua môi giới trong những năm gần đây là hành động "nhất cử lưỡng tiện". Hàng nghìn thiếu nữ Việt Nam bị hấp dẫn bởi những lời giới thiệu về đời sống hoa lệ và khả năng kinh tế của người chồng tương lai, dù mù mờ không biết "Đài Loan ở đâu, Hàn Quốc ở đâu" nhưng hy vọng lấy chồng ngoại có thể tìm được việc làm, thoát nghèo, thậm chí còn gửi tiền về giúp cha mẹ. Khi kết hôn không còn là chuyện hôn nhân thì hệ lụy của nó là không nhỏ.
Các cô dâu Việt Nam học tiếng Hàn tại Trung tâm Phụ nữ Nhập cư ở Seoul. |
Người mong thoát nghèo, kẻ muốn có vợ
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây của Việt Nam được coi là những địa phương khởi đầu cho "phong trào" LCNN và hiện nay, hiện tượng này đã và đang lây lan sang một số tỉnh miền núi và ven biển của vùng Đồng bằng Bắc bộ như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Một số xã của Hải Phòng đã trở thành các ví dụ cho "phong trào" phụ nữ lấy chồng ngoại như Đại Hợp, Lập Lễ, Đoàn Xá, Tú Sơn với bình quân mỗi xã có trên 500 cô dâu đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Theo nhiều nguồn số liệu, tính đến thời điểm 2009, đã có khoảng 167.000 cô dâu Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó tại Đài Loan là 120.000 người. Còn theo khảo sát quốc gia năm 2010 của Chính phủ Hàn Quốc với 130.000 hộ gia đình, số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc chiếm tỷ lệ 18,4%, đứng thứ ba trong số các cặp vợ chồng ngoại, tương đương với 30.799 người. Con số này trên thực tế sẽ cao hơn vì có khá nhiều phụ nữ Việt Nam di cư hôn nhân bất hợp pháp.
Hôn nhân "xuyên biên giới" gia tăng được lý giải là do thỏa mãn được mong muốn LCNN để đổi đời của cô dâu Việt, nhu cầu lấy vợ của chú rể nước ngoài và lợi nhuận của công ty môi giới. Có tới 80% số cuộc kết hôn của cô dâu Việt Nam với chồng nước ngoài mà Sở Tư pháp Long An khảo sát là hôn nhân vì lợi ích kinh tế. Thống kê công bố của Bộ Tư pháp Việt Nam trong hai năm 2001-2002 cũng cho biết 85% số vụ kết hôn lấy chồng ngoại đều có lý do vì lợi ích kinh tế. Còn các chú rể Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vì không thể lấy vợ "nội" nên phải tìm vợ "ngoại". Hầu hết đàn ông các nước này tìm đến dịch vụ môi giới là vì họ chỉ là những người lao động bình thường, thậm chí có người không có nghề nghiệp ổn định và đa số đều gặp khó khăn trong cuộc sống.
Theo Bộ Nội vụ Đài Loan (Trung Quốc), chỉ có 50% trong số những người đàn ông độc thân Đài Loan ở độ tuổi từ 30-39, với vị thế nhân khẩu xã hội thấp, hạn chế về giáo dục, thân thế nghề nghiệp và nơi cư trú là có khả năng kết hôn với một cô gái bản địa, số còn lại tìm bạn đời ở một số nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Số liệu điều tra của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Hàn Quốc năm 2010 cũng tiết lộ: trong số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có tới 22,5% người thuộc lớp người có thu nhập thấp đã cho thấy một sự thật là những nam giới Hàn Quốc sang Việt Nam lấy vợ thường là những nông dân, thanh niên ở tầng lớp nghèo khó. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tại Hải Phòng, năm 2010, cũng cho thấy không ít chú rể nước ngoài của các gia đình Việt bị bệnh hoặc tàn tật.
Một cán bộ xã Đại Hợp (Hải Phòng) cho biết: "Những năm mới rộ lên phong trào này, hầu như phụ nữ Việt Nam đều không được biết mặt chú rể, có người nặng hơn 100kg, có người bị bỏng hết toàn thân, có người bị dị tật, tàn tật, thậm chí bị tâm thần". Bên cạnh đó, có một lý do nhỏ nhưng quan trọng là giá cả cho dịch vụ kết hôn trọn gói với cô dâu Việt Nam rất rẻ.
Nối "cầu" với "cung" bằng lợi nhuận
Một yếu tố khác tác động đến việc lấy chồng nước ngoài là hiện tượng môi giới hôn nhân đang phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, các công ty môi giới nước ngoài là công ty có giấy phép hoạt động môi giới hợp pháp hoặc ẩn nấp dưới dạng của những văn phòng tư vấn pháp luật cho người di trú kết hôn hay tư vấn du lịch. Họ quảng cáo về cô dâu Việt Nam một cách công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những chú rể Hàn Quốc có thể đăng ký dưới hình thức đi du lịch để sang Việt Nam chọn vợ trong vòng 6 đến 8 ngày. Còn ở Việt Nam, hoạt động môi giới hôn nhân hiện đang ẩn dưới các hình thức giới thiệu từ người thân, người quen và vì thế các việc kiểm soát hoạt động này là không dễ dàng.
Sự sẵn có của dịch vụ môi giới không chính thức, môi giới nấp bóng trong các văn phòng thông tin, hỗ trợ khách du lịch, tư vấn du lịch cũng góp phần làm cho tình trạng LCNN gia tăng đáng kể. Mạng lưới môi giới công ty nấp bóng, hoặc môi giới cá nhân ngày càng đa dạng về hình thức và quy mô, cách thức hoạt động ngày càng tinh vi và cung cấp các dịch vụ môi giới nhanh chóng, thuận tiện. Những cuộc hôn nhân du lịch được xếp đặt ngày càng ngắn để giảm giá tour kết hôn. Bản thân các cá nhân môi giới tích cực, chủ động trong việc tiếp cận và thuyết phục đối tượng là những cô gái mới lớn sống ở nông thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc chưa có công việc ổn định... Họ hứa hẹn về viễn cảnh sống tốt đẹp khi kết hôn với người nước ngoài để tạo sức hấp dẫn và niềm tin đối với các cô gái. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin và mong muốn kết hôn vì muốn có được sự bảo đảm kinh tế của các cô dâu Việt, các công ty này sẵn sàng cung cấp các thông tin giả mạo, lừa gạt tinh vi để kiếm lời. Trên thực tế, vì mong có được một chú rể "có nhân thân tốt và tiền bạc tương đối khá giả" và cũng vì muốn hãnh diện với bà con lối xóm, không ít bố mẹ các cô dâu phải bỏ vài chục triệu đồng chi trả cho những kẻ môi giới. Kẻ trung gian đã thu phí của cả hai phía và lợi nhuận của hoạt động môi giới đã khiến họ không từ thủ đoạn nào để làm cầu nối cho nhu cầu hôn nhân xuyên biên giới của cô dâu Việt với chú rể nước ngoài bất chấp mọi hậu quả.