Cần cấu trúc lại doanh nghiệp cấp nước sạch Hà Nội

Kinh tế - Ngày đăng : 15:05, 26/11/2012

Sau 5 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội bên cạnh những tiến bộ cũng đang nổi lên những vấn đề cần kịp thời nghiên cứu, giải quyết, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.


Nhà máy xử lý nước sạch Sông Đà do Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam đầu tư xây dựng và khai thác (Ảnh: vinaconex.com.vn)



Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là thực tế triển khai chuyển đổi vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số mục tiêu đặt ra và việc đổi mới tổ chức quản lý trong doanh nghiệp thực sự chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường.

Theo công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư cũng như trình độ quản trị, công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh của công ty còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực và tiềm năng phát triển. Mặc dù sản xuất kinh doanh có tăng trưởng nhưng chưa ổn định và bền vững. Trong 5 năm qua, giá trị tài sản của công ty tăng rất lớn (từ 12 -18%/năm) do đã thực hiện quyết toán và hạch toán giá trị tài sản được bàn giao từ các dự án lớn nhưng doanh thu chỉ tăng bình quân 7 - 10%/ năm. Tốc độ tăng tài sản lớn hơn tốc độ tăng doanh thu rất nhiều thể hiện sự mất cân đối giữa hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận trên vốn giảm dần qua các năm; chưa thực sự chuyển đổi hoạt động của công ty Nước sạch nói riêng cũng như ngành nước Hà Nội nói chung thành hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Cụ thể, hoạt động cấp nước, theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 TW Đảng khóa IX, tuy đã được xác định nhất quán là hoạt động kinh doanh, vẫn mang tính chất là ngành hoạt động phục vụ cộng đồng và cần có sự điều tiết ở mức độ nhất định của Nhà nước. Điều này thể hiện qua việc Nhà nước quyết định giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch. Tuy nhiên, giá cả của hàng hóa nước sạch trong những năm qua chưa được điều chỉnh đúng mức và kịp thời nên đã hạn chế hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Kể từ năm 2008 đến nay, giá nước mới chỉ được điều chỉnh có 1 lần vào đầu năm 2010, trong khi giá điện đã 4 lần điều chỉnh tăng; giá hóa chất, xăng dầu và chi phí nhân công cũng đã điều chỉnh tăng nhiều lần. Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch của công ty thường xuyên lỗ do phải bù đắp bằng lợi nhuận của các hoạt động khác. Điều này một mặt gây khó khăn về tài chính cho công ty do doanh thu không đủ bù đắp chi phí sản xuất, không đảm bảo sự tự chủ về tài chính, do đó không tích lũy được nguồn vốn để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, đồng thời cũng không khuyến khích được các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư phát triển hệ thống cấp nước nhằm xã hội hóa công tác cấp nước. Mặt khác, gây ra tình trạng sử dụng nước lãng phí .

Thực tiễn triển khai chuyển dịch quan hệ sở hữu và quan hệ quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, không đi đúng định hướng và lộ trình đã xác định. Kế hoạch cổ phần hóa các đơn vị thành viên đã phải thay đổi. Việc cổ phần hóa Xí nghiệp Nước tinh khiết thành Công ty Cổ phần bị chậm tiến độ và mới chỉ hoàn thành vào đầu quý III/2012; việc chuyển đổi Công ty Kinh doanh Nước sạch số 2 thành Công ty Cổ phần không đạt mục tiêu, mới chỉ dừng ở hình thức Công ty TNHH một thành viên. Công tác dịch chuyển hình thức hoạt động của 5 Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch theo hướng hạch toán độc lập đang được tiến hành nhưng không thể tiến tới hình thành các đơn vị Kinh doanh nước sạch hoạt động độc lập do quy định hạn chế thành lập mới Công ty nhà nước tại Nghị định 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ.

Ngày 25/3/2009 tại hội trường cơ quan TCT VINACONEX đã diễn ra lễ ký hợp đồng bàn giao và tiếp nhận hệ thống cấp nước sạch khu vực Tây nam Hà Nội giữa Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nước sạch. Theo đó, từ ngày 1/4/2009, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch VIWACO thuộc TCT CP VINACONEX sẽ tiếp nhận để khai thác toàn bộ hệ thống nước sạch và cung cấp nước sạch từ nhà máy nước Sông Đà cho khu vực Tây Nam Hà Nội giới hạn bởi đường 32 – đường Phạm Hùng (vành đai 3) – đường Trần Duy Hưng – đường Láng ở phía Bắc và các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp dọc theo trục đường Láng – Hòa Lạc. (Nguồn: vinaconex.com.vn)

Việc thực hiện mục tiêu và lộ trình tập trung, tích tụ các nguồn lực về vốn, công nghệ, quỹ đất, thị trường, nhằm hình thành trên địa bàn thành phố một mô hình doanh nghiệp cấp nước mạnh với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác và tham gia liên kết với các doanh nghiệp khác cùng hoạt động trong lĩnh vực cấp nước cũng chưa đạt được. Theo mô hình bộ máy tổ chức sản xuất kinh doanh đã xác định, công ty nước sạch Hà Nội đã thực hiện góp vốn cổ phần với công ty Cổ phần đầu tư Kinh doanh nước sạch (VIWACO) để thực hiện cấp nước và phát triển hệ thống cấp nước trên địa bàn phía Tây Nam thành phố. Sau 5 năm thực hiện mô hình, công ty liên kết, quy mô vốn tăng rất chậm, hoạt động của VIWACO 5 năm liền không có lãi. Phần vốn góp bằng giá trị tài sản của Công ty nước sạch Hà Nội không tăng, làm cho tỷ trọng cổ phần giảm, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mở rộng phạm vi cấp nước.

Thực tế sau 5 năm chuyển đổi cho thấy, việc song song tồn tại 4 doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn thành phố đã nảy sinh tình trạng địa bàn cấp nước bị chia cắt , phân tán nguồn lực, không đảm bảo được an toàn hệ thống cấp nước và hỗ trợ nhau khi có sự cố, không tập trung được nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống cấp nước có tính liên kết vùng, thực hiện khai thác cấp nước an toàn, ổn định và bền vững. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải cấu trúc lại các doanh nghiệp cấp nước để hình thành trên địa bàn thành phố một doanh nghiệp cấp nước đủ mạnh để quản lý tập trung và thống nhất về nguồn lực, sản phẩm và thị trường, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Hiện nay, mặc dù Hà Nội đã có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 6/7/2011, việc thực hiện cấp nước và đầu tư phát triển hệ thống cấp nước vẫn còn bó hẹp trong phạm vi địa giới hành chính, chưa tạo được mối liên kết vùng, chưa có biện pháp hỗ trợ cấp nước an toàn giữa các khu vực. Điều này gây khó khăn cho công tác phối hợp hoạch định kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cấp nước toàn đia bàn một cách hợp lý trong tất cả các khâu, từ lựa chọn nguồn nước, phát triển công suất các nhà máy nước, mở rộng mạng lưới đường ống, tránh phá vỡ sự cân bằng của toàn bộ hệ thống giữa nguồn cấp nước và mạng lưới cấp nước, cân đối giữa cung và cầu, giữa các vùng và các giai đoạn xây dựng và phát triển nhằm phát triển bền vững hệ thống cấp nước; bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước.

Sau 5 năm chuyển đổi, tổng nguồn vốn toàn công ty đã đạt 3.900 tỷ đồng (tăng 68,43%) trong đó vốn chủ sở hữu đạt 2.560 tỷ đồng (tăng 100,95%); vốn vay tăng bình quân 6,97% nhưng tỷ trọng vốn vay trên tổng nguồn vốn đã giảm từ 44,98% xuống còn 34,36%. Đối với nguồn nhân lực, toàn công ty có 2.562 cán bộ công nhân viên, tăng 8,15%, độ tuổi lao động bình quân đã được trẻ hóa 2,5 tuổi so với năm 2008. Hiệu quả của mô hình tổ chức mới và cơ chế quản lý mới đã thể hiện rõ rệt ở khía cạnh lợi ích của cả 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng để có thể tiếp tục thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp có hiệu quả, mở rộng quy mô và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, công ty cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế để có thể chuyển sang kinh doanh một cách thực sự, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong cơ chế thị trường để tiếp tục khai thác, sản xuất và quản lý hệ thống cấp nước, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Theo đó, công ty kiến nghị các cấp quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển mô hình công ty mẹ - công ty con trong lĩnh vực cấp nước: Theo QĐ 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp cấp nước được xếp vào nhóm doanh nghiệp cần duy trì tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ từ 65% đến 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa và cần thiết phải thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu này, công ty cũng kiến nghị các cấp quản lý xem xét: Hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại các doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu; sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hoá, thành lập mới công ty Nhà nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cho công ty về mặt định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, đất đai, làm cơ sở cho công ty tiếp tục dịch chuyển chức năng cho các xí nghiệp Kinh doanh nước sạch để tiến tới hình thành các đơn vị cổ phần Kinh doanh nước sạch hoạt động độc lập theo Luật Doanh nghiệp; ban hành các cơ chế để doanh nghiệp cấp nước có thể chuyển sang kinh doanh thực sự theo cơ chế thị trường và tạo nguồn lực phát triển hệ thống cấp nước.

Đối với cơ chế giá tiêu thụ nước sạch, công ty kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Liên ngành nghiên cứu điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch đảm bảo tính đúng và đủ các chi phí sản xuất và có yếu tố dự phòng tăng giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nước sạch; tạo điều kiện cho công ty có khả năng tự chủ về mặt tài chính, tạo nguồn tích lũy để tái đầu tư cải tạo chống thất thoát thất thu; mở rộng, phát triển nguồn và mạng lưới cấp nước, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt.

Đối với các cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 124 và nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, công ty đề nghị thành phố xem xét ban hành cơ chế đặc thù về bố trí vốn và huy động vốn, có ưu tiên đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tại các khu vực nông thôn ngoại thành trên địa bàn Thành phố; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đầu tư cho đổi mới công nghệ, cải thiện dịch vụ cấp nước, để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên, vật liệu; từng bước loại bỏ các nguyên nhiên liệu không thân thiện với môi trường để tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững./.

ĐCSVN/TTXVN