Khan vốn, cạn nước
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:49, 26/11/2012
Trạm cấp nước xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai bị bỏ hoang. |
Tốn tiền tỷ, công trình vẫn đình trệ
Với người dân xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai nói riêng và nhiều vùng nông thôn của Hà Nội nói chung, nước sạch sinh hoạt lâu nay vẫn là thứ hàng hóa "xa xỉ". Để có nước sinh hoạt, nhiều gia đình đã kỳ công thuê thợ đào giếng sâu 15-20m, thậm chí khoan sâu 25-30m, nhưng chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh. Trước những bức xúc gay gắt của người dân, tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép lập dự án, khởi công xây dựng TCN trong năm 2008 với tổng mức đầu tư 12,9 tỷ đồng, nhưng do không huy động được nguồn vốn của địa phương và nhân dân đóng góp, TCN này bị bỏ hoang từ năm 2010 đến nay.
Cũng chung cảnh ngộ, TCN xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa được khởi công xây dựng từ tháng 7-2008, với công suất thiết kế 1.500m3/ngày đêm cung cấp cho 10 nghìn người dân và cụm công nghiệp của xã, cũng bị "đắp chiếu". Do thiếu nước sinh hoạt, nhiều người dân buộc phải sử dụng nước không hợp vệ sinh. Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện còn gần 30km đường ống dẫn nước đến các hộ dân chưa được triển khai xây dựng. Lý giải nguyên nhân dự án bị đình trệ, theo lãnh đạo xã, năm 2012 công trình không được cấp kinh phí, sau đó UBND TP yêu cầu dừng thi công, quyết toán công trình để chuyển hình thức đầu tư đã gây những khó khăn lúng túng cho địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết, hiện nay nhiều TCN ở ngoại thành đều trong tình trạng hết vốn, chưa huy động đủ nguồn vốn đối ứng của địa phương và nhân dân đóng góp để tiếp tục xây dựng. Điều đó dẫn đến hàng loạt thiết bị được đầu tư tiền tỷ bị xuống cấp, hư hỏng, trong khi ước mơ của người dân được sử dụng nước sạch chưa thành hiện thực.
Cơ chế thiếu minh bạch, đầu tư bị chồng chéo
Trước bức xúc của dư luận về nhiều TCN bị bỏ hoang lãng phí, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ, giải quyết tồn tại. Tuy nhiên, hơn hai năm qua, việc làm "sống" lại các TCN chuyển biến chậm, thậm chí phát sinh thêm 7 TCN không hoạt động. Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hà Nội cho biết, trong 23 công trình không hoạt động, 6 trạm đã giao cho doanh nghiệp (DN) tiếp nhận đầu tư thì có 4 trạm đưa vào vận hành nhưng các DN đầu tư nhỏ giọt, chưa mở rộng quy mô sản xuất do thiếu vốn và chờ các thủ tục chuyển giao. Ngoài 3 TCN được liệt vào danh sách thanh lý, các TCN khác không kêu gọi được DN vào đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn, UBND TP đã cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các TCN.
Theo chỉ đạo, các địa phương dừng thực hiện đầu tư các công trình xây dựng dở dang để chuyển đổi hình thức đầu tư thông qua vay vốn tín dụng từ Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội. Nhưng đến nay, việc hoàn thiện thủ tục vẫn rối như canh hẹ do sự thờ ơ của chính quyền các địa phương. Bà Nguyễn Thị Lê, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Toàn Linh (đơn vị tiếp nhận đầu tư TCN xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) cho biết, DN khó có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và hoàn thiện các thủ tục khác vì chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng TCN, mặc dù nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Phúc Thọ. Được biết, UBND TP giao cho UBND huyện Phúc Phọ chủ trì cùng các ngành chức năng bàn giao đất và tài sản TCN cũ từ tháng 10-2011 cho Công ty Toàn Linh, nhưng đã hơn một năm trôi qua, việc bàn giao mới dừng lại ở "quyết toán công trình trạm cấp nước cũ và thương thảo với một đơn vị tư vấn làm thủ tục thẩm định khối lượng công trình đã thực hiện trước đây để bàn giao". Riêng việc bàn giao đất đai, theo Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết, hiện vẫn chưa hướng dẫn DN làm các thủ tục theo quy định.
Trước hàng loạt bất cập, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương khẩn trương định giá tài sản, bàn giao mặt bằng, hoàn thiện thủ tục bàn giao cho doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư khôi phục các TCN. Với DN thực hiện khảo sát nhu cầu sử dụng và mở rộng quy mô sản xuất kịp thời cung cấp nước sạch cho người dân. Phó Chủ tịch yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chính quyền huyện, xã, chủ đầu tư trong quản lý, đầu tư xây dựng TCN ở nông thôn.