Thiếu “lửa”
Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 26/11/2012
Nhiều huyện thuần nông nhưng chưa chú trọng đầu tư cho nông nghiệp và cơ sở vật chất nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển ngành nghề chậm, ô nhiễm môi trường nặng nề; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải cách hành chính, giải quyết đơn thư còn yếu...
Điều đáng nói là qua kiểm điểm, tình trạng nêu trên đều "cơ bản" thuộc lỗi chung của tập thể mà ít thấy người đứng đầu cấp ủy nào nhận trách nhiệm riêng mình (?).
Ví dụ thêm về tình trạng này, một bí thư chi bộ thôn cho biết: Khi được Ban Thường vụ Huyện ủy xin ý kiến góp ý theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, nhiều đảng viên đã khẳng định "lần đầu tiên được thực hiện điều này", thậm chí còn diễn đạt một cách hình ảnh là đã hơn một nhiệm kỳ người đứng đầu cấp ủy được luân chuyển về huyện mà đảng viên cơ sở "vẫn chưa biết mặt".
Việc phân công các ủy viên thường vụ cấp ủy và cán bộ chủ chốt phụ trách địa bàn, cơ sở là phổ biến ở tất cả các cấp ủy, nhưng dường như vẫn thiếu bóng dáng những người đứng đầu cấp ủy thực sự sâu sát, gắn bó cơ sở, lắng nghe tiếng nói đảng viên, quần chúng ở cơ sở để nắm bắt tâm tư, từ đó có những quyết đáp, chỉ đạo sát sao, cụ thể, kịp thời. Thiếu đi điều này, ngoài tinh thần trách nhiệm còn là sự thiếu "lửa" nhiệt tình - yếu tố cần có của một người lãnh đạo.
Nguyên nhân của sự "thiếu lửa" có nhiều, song chắc chắn có nguyên nhân từ sự buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu. Công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đấu tranh phê bình chưa đạt yêu cầu. Ý thức tự giác rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, trình độ của bản thân cán bộ còn hạn chế. Hệ quả tất yếu là công tác lãnh đạo sẽ chung chung, năng lực vận động quần chúng kém, dựa dẫm vào tập thể...
Để khắc phục tình trạng này, ngoài các yêu cầu về công tác đào tạo, quản lý, sử dụng thì biện pháp cần thiết hơn cả là thường xuyên đổi mới công tác đánh giá, nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, "thiếu lửa" trong công tác, để xảy ra vi phạm, sai sót trong lĩnh vực phụ trách cần phải được kịp thời thay thế, bố trí công tác thích hợp. Việc nhiều ban thường vụ cấp ủy huyện đã có kế hoạch sửa chữa sau kiểm điểm Nghị quyết TƯ 4 là "định kỳ báo cáo kết quả sửa chữa khuyết điểm của từng cá nhân" là một biện pháp tốt để kiểm soát các nội dung trên.