“Nón Chuông” đã có vị thế mới

Xã hội - Ngày đăng : 08:53, 25/11/2012

(HNM) - Đường vào làng Chuông (Thanh Oai) rất nhộn nhịp, một hình ảnh hiếm thấy ở những vùng nông thôn ngoại thành. Từ ngày


Cơ sở sản xuất nón của anh Lê Văn Tuy ở xã Phương Trung.

Trong căn nhà đơn sơ của thương binh, nghệ nhân Phạm Trần Canh ở đội 5, thôn Mã Kiều (xã Phương Trung) có một thứ quý giá hơn cả vàng ròng, đó là tấm bằng "Nghệ nhân làng nón" được ông treo trang trọng, bên dưới là những tấm hình ông cùng người vợ là bà Nguyễn Thị Cẩm (78 tuổi) trong các hoạt động quảng bá nón Chuông. Ông Canh là một trong số ít nghệ nhân ở làng Chuông còn làm nón truyền thống. Đã ở tuổi 83, nhưng hằng ngày với bàn tay khéo léo, khối óc sáng tạo, ông Canh vẫn miệt mài sáng tạo ra những sản phẩm làm hài lòng khách phương xa. Ông Canh nói: "Làm nón truyền thống vừa khó, vừa phức tạp lại không được sử dụng phổ biến như nón thường". Để phục dựng nghề làm nón cổ, cách đây 20 năm, thương binh Phạm Trần Canh đã một mình lặn lội đến các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, rồi rong ruổi nhiều ngày trên địa bàn TP Hà Nội để sưu tầm hình mẫu các loại nón cổ. Với tay nghề sẵn có từ ngày còn theo bà nội, ông Canh tháo tung từng loại nón và tìm ra bí quyết làm ra những loại nón đã thất truyền từ lâu ở làng. Hiện nay, sản phẩm của ông Canh được làm theo đơn đặt hàng của các đoàn văn công, đoàn làm phim, đoàn ca múa nhạc và đã có mặt ở 13 nước trên thế giới. Những chiếc nón quai thao của ông đã được trưng bày tại nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt, hiện nay chiếc nón quai thao có đường kính 2m đang được triển lãm ở Cộng hòa Séc. Nghệ nhân Phạm Trần Canh đang thực hiện tâm nguyện truyền nghề cho 10 thợ làm nón trong làng để mong giữ được nghề truyền thống của quê hương cho các thế hệ con cháu về sau.

Chiếc nón lá của người làng Chuông đã đẹp dáng lại bền. Chiếc nón Chuông đã theo người phụ nữ Việt Nam từ những cánh đồng lam lũ đến những sàn diễn thời trang sang trọng, là kỷ vật của các cô gái khi lên xe hoa về nhà chồng... Ở làng Chuông, người dân vẫn lưu truyền câu ca "Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông". Xưa, làng Chuông làm nhiều loại nón như nón quai thao cho các cô gái; nón nhô, nón lông, nón dấu, nón chóp… cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng. Xã hội thay đổi, từ năm 1940 đến nay, người thợ nón Chuông chủ yếu làm nón loại 16 vòng có độ vồng, dáng nón khỏe, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm sự mềm mại, phù hợp với nhu cầu sử dụng hiện nay. Anh Lê Văn Tuy, xóm Mới, thôn Cầu Chuông (xã Phương Trung), một người thợ với 40 năm kinh nghiệm ở làng Chuông đã nức tiếng cả nước với những sản phẩm đặc sắc, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Sản phẩm nón 16 vòng làm tại cơ sở sản xuất của anh đã "phủ sóng" cả nước và xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu, Đông Nam Á. Cầm chiếc nón trắng bóng với những đường khâu khéo léo và chắc chắn trên tay, anh Tuy cho biết, để có được một sản phẩm chất lượng cao (giá 150.000 đồng/chiếc), người thợ phải mất một ngày công với những kỹ thuật tỉ mỉ và công phu. Anh Tuy cho biết thêm: "Khâu đầu tiên là chọn lá. Lá lụi, mo tre, mo nứa mua về được xử lý kỹ thuật, sau đó phơi nắng cho đến khi màu xanh chuyển sang bạc trắng. Người thợ sẽ cẩn thận để lá lót dưới nắm giẻ, dùng lưỡi cày miết nhanh sao cho lá phẳng mà không giòn, không nát". Cơ sở làm nón Tuy Huệ của anh Lê Văn Tuy hiện có 40 công nhân, trung bình mỗi năm đưa ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 250.000 chiếc nón. Ở thời điểm này, loại nón chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá khoảng 120.000-150.000 đồng/chiếc; loại nón bình thường từ 10.000 đồng đến 80.000 đồng. Theo anh Tuy, người làm nón không giàu nhưng bảo đảm đời sống no đủ, con em ăn học đàng hoàng. Từ những chiếc nón, nhiều gia đình ở làng Chuông đã nuôi hai, ba người con tốt nghiệp đại học. "Tôi tự hào với nghề truyền thống của làng. Với nhãn hiệu "Nón Chuông" đã được công nhận, tôi tin rằng sản phẩm truyền thống của làng Chuông tiếp tục đứng vững trên thị trường" - anh Lê Văn Tuy với truyền thống gia đình 5 đời làm nón chia sẻ.

Theo UBND xã Phương Trung, toàn xã cung cấp khoảng 3 triệu chiếc nón/năm cho nhu cầu tiêu dùng, du lịch. Nghề làm nón ở Phương Trung hiện đang thu hút khoảng 2.700 hộ với 8.000 lao động tại địa phương và 2.000 lao động vệ tinh thu nhập ổn định khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.

Nam Phong