Thất bại đã được dự báo
Thế giới - Ngày đăng : 07:54, 25/11/2012
Các thành viên EU vẫn bất đồng sâu sắc về kế hoạch ngân sách mới.
Các cuộc gặp riêng với từng thành viên EU của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy trước thềm hội nghị để vận động hành lang cho một thỏa hiệp trên bàn đàm phán chính thức cuối cùng đã không đi đến đâu. Thậm chí, bản đề xuất ngân sách trị giá 950 tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020, thấp hơn đệ trình của Ủy ban Châu Âu (EC) 80 tỷ euro cũng đã bị gạt bỏ "không thương tiếc" ngay trong ngày đàm phán đầu tiên. Các cuộc tranh cãi nóng đến nỗi phiên thảo luận định kéo dài qua đêm 22-11 phải hoãn đến sáng ngày hôm sau, vì tình trạng bất đồng không thể hóa giải. Đại diện của nhiều thành viên yêu cầu tạm dừng tranh luận trực tiếp trên nghị trường để các bên có thời gian xem xét và hội ý nội bộ cho thấy rõ quá trình thỏa hiệp khó khăn của EU về ngân khố. Đáng buồn là rốt cục, các cuộc thương lượng trong ngày thứ hai của hội nghị cũng không dẫn đến một kết quả khả quan nào.
Khúc mắc lớn nhất đang chia rẽ liên minh 27 thành viên là mức đóng góp. Vận hành theo nguyên tắc được áp dụng bấy lâu nay là nước giàu đóng nhiều, nước nghèo đóng ít dựa trên thu nhập quốc dân. Mức phân chia tưởng như "rất công bằng" này hiện bị xem là bất công lớn. Đặc biệt với những thành viên giàu có như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Đan Mạch… Sự phản đối quyết liệt nhất cũng đến từ các nhà bảo trợ còn khỏe mạnh này khi họ cho rằng sẽ là rất vô lý nếu như phải móc nhiều tiền túi để đóng góp cho nguồn quỹ chung nhằm hỗ trợ những quốc gia luôn vi phạm quy chế ngân sách để đến nỗi phải mang nợ. Sự phản bác đối với đề xuất ngân khố mới cũng không phải là vô căn cứ khi trên thực tế EU đã kêu gọi thắt chặt chi tiêu đối với tất cả thành viên nhằm ngăn ngừa hiệu ứng domino bắt nguồn từ cơn khủng hoảng nợ Hy Lạp. Do đó, lập luận từ những nước "nói không" với ngân khố mới là họ không thể hào phóng trong điều kiện chi tiêu quốc gia đang vô cùng ngặt nghèo.
Ngay cả việc điều phối nguồn quỹ thế nào nhằm bảo đảm lợi ích cho tất cả các nước đóng góp cũng là vấn đề gây tranh cãi. Những nước được nhận trợ cấp nhiều từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp của quỹ chung như Pháp, Tây Ban Nha quyết không đồng tình với nội dung cắt giảm trợ cấp trong lĩnh vực này trong 7 năm tới. Còn Italia lại có nỗi niềm khác khi cho rằng họ đã không nhận được phụ cấp tương xứng với phần đóng góp trong khi Tây Ban Nha lại được nhận nhiều hơn những gì đã chi. Các cuộc "đấu khẩu" không khoan nhượng và xem ra ai cũng có lý đã buộc EC quyết định không kéo dài hội nghị thêm hai ngày cuối tuần. Trước lập trường quá xa nhau của các bên, có lẽ Chủ tịch H.V. Rompuy nhận thấy rằng nếu kéo dài thêm nữa cũng chẳng cho một kết cục khả dĩ hơn.
Vì thế, không có sự ngạc nhiên việc liên minh chính trị lớn nhất thế giới chưa có tiếng nói chung về nguồn quỹ giai đoạn 2014-2020. Thay vào đó, nỗi lo âu đang ngày một lớn lên khi Châu Âu cứ mãi "ăn thua" trong chuyện đóng góp tiền bạc giữa lúc vòng xoáy của cơn bão nợ không đợi chờ ai vẫn đang ngày một lan rộng. Đạt đồng thuận về ngân sách mới không chỉ bảo đảm cho hoạt động của EU những năm tới mà còn mở ra cánh cửa để thảo luận và thực hiện các kế hoạch ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu đã vô cùng cấp bách. Ủng hộ hạ thấp mức đóng góp và mềm mỏng trong quá trình thảo luận, quan điểm của Thủ tướng Angela Merkel tại Hội nghị đã thể hiện được vai trò đầu tàu của Đức trong các chiến lược của EU. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó. Sự lạc quan về khả năng 27 thành viên liên minh sẽ thống nhất về kế hoạch chi tiêu dài hạn trong lần nhóm họp dự định vào đầu năm sau của Thủ tướng Đức A. Merkel đang là mong mỏi của thế giới với hy vọng sẽ chứng kiến một Châu Âu đoàn kết và mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với chính mình.