Đâu là “chất keo” kết dính ?
Du lịch - Ngày đăng : 07:09, 25/11/2012
Mang nghệ thuật biểu diễn đến với đông đảo công chúng và du khách cũng là một cách để tạo ra những sản phẩm du lịch nhân văn hấp dẫn. Ảnh: Bá Hoạt
Vẫn chỉ "đi ăn tối - đến xem rối"
Hơn 20 năm trong nghề, một nhà nghiên cứu về du lịch đã đưa ra lý do lớn nhất khiến du khách đến Việt Nam một lần mà không quay lại, đó là: sáng đi tham quan, chiều về khách sạn, ăn tối xong, không biết làm gì… Chưa kể, ngoài việc bị "chặt chém" một cách vô lý, du khách nước ngoài khi đặt chân tới Việt Nam đều chi tiêu rất ít, bởi họ không biết tiêu tiền ở đâu và vào việc gì!
Tại hội nghị về liên kết giữa văn hóa, thể thao, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam vừa được Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức, bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành cho biết, ngoài việc khai thác giá trị của di sản, di tích lịch sử, thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch mang tính truyền thống, việc đưa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các sự kiện thể thao, hệ thống bảo tàng, thư viện… vào các tour du lịch còn hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho sản phẩm của ngành du lịch thiếu sự đa dạng, phong phú. "Ngoại trừ Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức được chương trình thường xuyên phục vụ du khách và nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, các nhà hát và các loại hình nghệ thuật khác chưa làm được điều này. Dẫn tới, không chỉ nhà hát mất cơ hội tận dụng được nguồn khách, tăng doanh thu mà các doanh nghiệp lữ hành cũng không có điều kiện để đa dạng hóa hoạt động, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là ở các thành phố lớn, trung tâm du lịch", bà Phạm Lê Thảo nói.
Đồng ý với nhận xét trên, NSƯT Lê Khánh Toàn, Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: "Từ năm 2009, Bộ VH, TT& DL đã giao TCDL chủ trì và phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn lựa chọn một số tiết mục đặc sắc, tiêu biểu của văn hóa dân tộc để dàn dựng thành những chương trình nghệ thuật phục vụ du khách tại Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… nhưng nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa có chỗ đứng trong các sản phẩm du lịch. Ngay cả Thủ đô Hà Nội hiện có gần 30 đơn vị biểu diễn và đào tạo với nhiều loại hình nghệ thuật như: ca múa, kịch, chèo, cải lương, múa rối, tuồng, nhạc vũ kịch, giao hưởng… nhưng du khách đến đây trong rất nhiều năm vẫn chỉ "đi ăn tối - đến xem rối"". NSƯT Lê Khánh Toàn cho rằng, việc đầu tư cho nghệ thuật biểu diễn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là cơ sở vật chất (rạp hát, điểm biểu diễn…) hầu hết đều xây dựng cách đây 30, 40 năm, đã xuống cấp. Thậm chí, có nơi tuy to lớn và tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng thiết kế xấu, bất tiện, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng nghèo nàn. Mặt khác, chương trình nghệ thuật hầu hết lắp ghép từ các tiết mục sẵn có, do vậy du khách phải thưởng thức những món "lẩu thập cẩm" thay vì những nét tinh hoa của văn hóa Việt. Khi các chương trình biểu diễn chưa đủ độ hấp dẫn thì không thể nói đến việc các đơn vị lữ hành giới thiệu du khách các loại hình này.
Không chỉ hoạt động văn hóa nghệ thuật, việc khai thác các sự kiện thể thao để thu hút du khách và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới cũng chưa thực sự được quan tâm. Về vấn đề này, ông Lý Đức Tú, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Olympic (Tổng cục Thể dục thể thao) nhận định, nền thể thao phát triển, có những môn thế mạnh sẽ là công cụ hiệu quả để quảng bá hình ảnh quốc gia. Như nói đến bóng đá, người ta nghĩ ngay đến Brazil, Anh, Argentina, Đức, Pháp, Tây Ban Nha…; hay bóng bàn là nhắc đến Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia có truyền thống thể thao phát triển luôn cạnh tranh nhau gay gắt để giành quyền đăng cai các sự kiện thể thao lớn như: Thế vận hội Olympic mùa hè, mùa đông, Đại hội Thể thao Châu Á, vô địch bóng đá thế giới… Bởi ngoài sức mạnh về quảng bá, họ sẽ thu về một nguồn tài chính khổng lồ từ các dịch vụ kinh doanh du lịch.
Việt Nam cũng đã từng đăng cai một số sự kiện thể thao lớn trong khu vực. Tuy nhiên, các địa phương, các điểm đến du lịch chưa tận dụng sự kiện thể thao để có những chương trình xúc tiến, quảng bá, mời chào các vận động viên và khán giả sử dụng những sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi các đoàn thể thao nước nhà tham gia các sự kiện thể thao lớn trong khu vực và thế giới thì việc kết hợp tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá du lịch cũng chưa được các nhà quản lý quan tâm. Và đáng buồn là trong những năm gần đây, một số hãng lữ hành đã mở các tour du lịch kết hợp với sự kiện thể thao nhưng lại hướng đến những sự kiện ngoài lãnh thổ.
Làm gì để "níu chân" du khách?
Khách du lịch đến Việt Nam ngoài nhu cầu ăn, ở, họ còn cần được vui chơi, giải trí, được thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Du khách cũng đánh giá cao nền văn hóa của Việt Nam, họ yêu thích quan họ, ca trù… trong khi nhà hát ở các thành phố của nước ta rất nhiều nhưng hoạt động lại rất ít.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Phượng Hoàng Đặng Bích Thọ cho rằng, để đưa các sản phẩm văn hóa, thể thao đến gần hơn với du khách, cần phải thay đổi cách làm, đặc biệt là thay đổi tư duy và nhận thức. Ở nước ta, thường thì, các sự kiện văn hóa, thể thao đến sát ngày tổ chức mới thông báo lịch, trong khi sản phẩm cho đối tác nước ngoài đã chào bán trước đó cả năm. Thêm vào đó, các sản phẩm về văn hóa, nghệ thuật, thể thao cần phải phù hợp với nhu cầu của du khách, thế nhưng các đơn vị biểu diễn vẫn cứng nhắc, thiên về nghệ thuật kinh điển, hàn lâm…, còn khách thì lại thường thích nghệ thuật mang tính giải trí.
Bàn về vấn đề cần tăng cường liên kết giữa 3 lĩnh vực, bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng Cục trưởng TCDL cho rằng, văn hóa, thể thao là một dạng tài nguyên nhân văn để hình thành những sản phẩm du lịch. Trong thời gian qua, 3 lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch đã có sự gắn kết nhưng việc phối hợp giữa các đơn vị để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Cái chúng ta đang thiếu là "chất keo" kết dính những người, những đơn vị làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch. Bởi vì những người, những đơn vị làm du lịch chính là nhân tố quan trọng đưa giá trị văn hóa, thể thao đến gần công chúng hơn. Ngược lại, những sản phẩm du lịch đặc sắc được kết tinh từ những giá trị nghệ thuật do văn hóa, thể thao mang lại sẽ góp phần "níu chân" du khách.