Di sản - không chỉ để tự hào
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:01, 25/11/2012
Chúng ta đang giữ gìn những di sản vô giá đó như thế nào?
Cả nước hiện có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng… cấp quốc gia. Mỗi di tích ấy đều được gắn bảng ghi rõ "Đã xếp hạng. Cấm xâm phạm".
Thời phong kiến, di tích được xếp hạng theo sắc phong của vua. Giữ gìn và thụ hưởng di sản ấy là vinh dự và trách nhiệm của địa phương, không một chút lơ là, không nhờ vả ai. Ngày nay việc "xếp hạng" không như vậy và quy định giữ gìn, thụ hưởng di sản cũng đã theo một cách khác. Quan liêu hơn, thiếu trách nhiệm hơn…
Xã Trưng Vương, vùng đất Tổ, có hai cây táu, một cây hoa trắng gọi là cây Bạc, đã hơn 1.000 năm (?), một cây hoa vàng, gọi là cây Vàng, cũng hơn 200 năm (?). Cả hai cây được gắn biển "Cây di sản Việt Nam". Mấy năm nay hai cây này bị tơ hồng, một loại thực vật ký sinh, đe dọa. Xã chỉ có trách nhiệm trông coi, còn việc bảo vệ do huyện, tỉnh, trung ương. Xã đã báo việc này lên cấp trên từ lâu nhưng chưa thấy có chỉ đạo gì. Nếu cứ để tơ hồng tấn công mãi, hai cây quý ấy chắc sẽ chết!
Tơ hồng nguy hại, khó xử lý tới mức nào, khoa học sẽ có câu trả lời(?). Nhưng nguy hại hơn, khó xử lý hơn là cái cách giữ gìn, bảo tồn di sản đang tồn tại. Chùa Trăm Gian là một trong những chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… Ngay cả trong những cuộc kháng chiến chùa vẫn được giữ gìn. Dư luận như bị "sét ngang tai" khi được tin người ta đã dỡ một số hạng mục của chùa ra để dựng lại. Dù sau này người ta cố khẳng định là những chỗ dỡ ra sẽ được trùng tu giống cũ tới 70%, nhưng không một ai không đau xót là tại sao người ta lại có thể đối xử với di sản như thế. Hàng nghìn ngôi chùa và nhất là các địa điểm tôn thờ những thánh nhân xuất thân trần tục, một mỹ tục của người Việt, ở nhiều làng xã đang bị đập đi xây lại bằng sắt thép xi măng, thậm chí chuyển cả địa điểm, thay tên gọi… Lễ hội biến chất, kể cả những lễ hội lớn như Hội Lim quan họ; kinh doanh lễ hội thay hành hương tâm linh đã làm cho lễ hội chùa Hương, Yên Tử… bị thương mại hóa.
Một trong những di sản tuyệt vời nhất mà tổ tiên để lại đang bị lạm dụng, đang bị phá hại là tiếng Việt. Tiếng Việt đang bị xâm hại từ trong các văn bản pháp luật tới cách nói thường ngày của giới trẻ; từ trên các phương tiện thông tin đại chúng tới các tác phẩm văn học. Đôi khi xem kênh truyền hình nước ngoài phụ đề tiếng Việt thấy họ giỏi tiếng Việt, chuẩn tiếng Việt hơn mình mà buồn, mà đau xót. Tiếng Anh được chêm vào tiếng Việt rồi sử dụng bừa bãi - cứ như nó nhất định phải có trong các văn bằng, thẻ nghiệp vụ, đoàn thể… dù chỉ dành riêng cho người Việt.
Việt Nam có nhiều di sản cả vật thể và phi vật thể được công nhận là của nhân loại. Đó là niềm tự hào về những gì cha ông để lại. Nhưng chúng ta đang làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị thực tế của nguồn tài nguyên vô giá đó.
Di sản không chỉ để tự hào. Nó trước hết là trách nhiệm. Trách nhiệm giữ gìn. Trách nhiệm phát huy, tạo ra những di sản mới cho con cháu, cho tương lai. Nhận càng nhiều, trao càng phải lớn!