Nơi “bão lửa” từng đi qua

Chính trị - Ngày đăng : 07:41, 24/11/2012

(HNM) - Nằm ở cuối trục đường dẫn vào trung tâm huyện Đông Anh, xã Uy Nỗ hiện ra phóng khoáng trong không gian mở với cánh đồng

Âm thanh sôi động của cuộc sống hiện tại và tiếng vọng ngàn xưa trên quê hương Uy Nỗ anh hùng như có chung tiếng nói giao hòa. Toàn xã, hay nói rộng hơn là cả vùng đất này mỗi thớ đất đều lưu giữ dấu ấn vẻ vang, truyền thống anh dũng, kiên cường trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Xã Uy Nỗ hôm nay.


Những nhân chứng của Hà Nội 12 ngày đêm mà tôi đã gặp trên mảnh đất Uy Nỗ nay đã ngoài 70 tuổi nhưng khi được gợi lại những năm tháng cùng nhân dân Thủ đô chống trả những trận bom B52 của đế quốc Mỹ, ký ức của họ vẫn nguyên vẹn niềm tự hào. "Ngoài các cơ quan của huyện Đông Anh, trên địa bàn xã Uy Nỗ còn có hàng chục cơ quan, xí nghiệp của trung ương và Hà Nội. Bởi vậy nơi đây được không quân Mỹ xác định là một trọng điểm đánh phá trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc và đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội. Liền trong đêm 18 và đêm 19-12-1972, bom đạn giặc Mỹ đã giết hại hơn 20 người, làm bị thương hơn 50 người, chủ yếu là người do hoàn cảnh khó khăn chưa đi sơ tán  hoặc những người được giao nhiệm vụ ở lại giữ làng" - ông Đào Văn Đạc, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã Uy Nỗ thời đó nhớ lại.

Ông Đào Văn Đạc xúc động khi nhắc lại trận bom đầu tiên, chiều 18-12-1972, đã cướp đi sinh mạng 6 người thân của Bí thư Đảng ủy xã Uy Nỗ Hoàng Đình Dị, gồm vợ, 4 người con và 1 người cháu. Địa bàn xã rộng chưa đầy 15km2, ròng rã 12 ngày đêm chống chọi với hàng ngàn lượt máy bay Mỹ, hàng chục vết bom rải thảm biến làng chỗ thành ao sâu, nơi đá dồn thành đống, thành gò, tất cả bề bộn, tan hoang; gần 1.000 gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu đã bị bom Mỹ làm mất hết tài sản…

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội của Mỹ, chính quyền xã Uy Nỗ đã thành lập các tổ: Tổ bảo đảm hậu cần, đời sống; tổ cứu thương, cứu sập; tổ chôn cất những người bị chết; tổ bảo vệ giao thông, trị an thôn xóm và hoàn chỉnh các phương án sơ tán tài sản, con người. Hơn 50km đường giao thông hào được sửa sang và đào mới; trên 25.000 hố cá nhân được đào thêm. Xã đã thành lập được đội "Bạch đầu quân" (gồm 30 cụ già) làm nhiệm vụ động viên tinh thần và tham gia tiếp nước, tiếp đạn cho bộ đội. Chị em phụ nữ trong xã vừa làm thay phần việc của chồng vừa ngày đêm lao động sản xuất, canh gác bảo vệ xóm làng. Bà Nguyễn Thị Mỹ, nguyên Xã đội phó nhớ lại: "Ngày ấy, mỗi đội sản xuất chỉ vỏn vẹn có 10 người nhưng phải đảm nhận hơn 80 mẫu ruộng. Ngoài việc chiến đấu bảo vệ quê hương, các đội sản xuất còn phải hoàn thành nhiệm vụ của hậu phương lớn tiếp tế lương thực, thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Bởi vậy, ban ngày khi không có báo động máy bay giặc chúng tôi lo chăn nuôi gia súc, khoảng một giờ sáng các thành viên trong đội lại ra đồng nhổ mạ, cấy đêm. Trong 12 ngày đêm hứng chịu sự đánh phá của máy bay Mỹ nhưng ngày nào xã viên trong các đội sản xuất cũng đều gánh rau xanh, mang gà, lợn lên Ấp Tó để thực hiện nhiệm vụ chi viện". Ngay trong lúc địch bắn phá ác liệt nhất, vẫn có những người dân tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ của mình như cụ Nguyễn Thị Mậu, tình nguyện chăm sóc đàn lợn 120 con của tập thể; ông Nguyễn Quang Thân nhận thường trực bảo vệ tài sản của trại chăn nuôi

Ngay sau khi tiếng bom thù vừa dứt, nhân dân Uy Nỗ lại bắt tay vào việc khắc phục hậu quả. Được sự chăm lo của cấp trên, của lãnh đạo huyện Đông Anh và bằng sự nỗ lực tự vươn lên của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, hàng chục phòng học bằng tranh tre, nứa lá được dựng lên bảo đảm cho gần 2.000 con em trong xã từ học mẫu giáo đến lớp 7 có chỗ học. Hàng trăm ngôi nhà được dựng lên để các gia đình kịp đón tết Nguyên đán. Trên đồng ruộng Uy Nỗ, được sự chi viện của Cục Cơ giới (Bộ Nông nghiệp), các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn đã đưa hàng chục xe ủi làm việc suốt 3 tháng ròng để san lấp hố bom. Hàng vạn ngày công của bà con xã viên đã được huy động để san lấp và làm các công trình thủy nông, đường giao thông, bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm gieo trồng vụ đông xuân. Ngày ấy các phong trào làm bèo hoa dâu, cấy lúa, trồng rau… thực sự mang khí thế quyết liệt của người dân Uy Nỗ. Với sự vào cuộc đồng bộ từ các ngành chức năng và ý chí vươn lên của người dân, sự sống đã hồi sinh trên mảnh đất đầy hố bom.

Đảng bộ và nhân dân Uy Nỗ lại vững vàng bắt tay vào thâm canh cây trồng, phát triển chăn nuôi, hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với nhà nước. 10 năm kháng chiến chống Mỹ, xã Uy Nỗ có gần 1.000 thanh niên lên đường nhập ngũ. Kết thúc 12 ngày đêm bắn phá của đế quốc Mỹ, Đảng bộ xã Uy Nỗ được Thành ủy Hà Nội công nhận là Đảng bộ vững mạnh, chi bộ Cường Nỗ (gồm các thôn: Đản Mỗ, Dản Dị, Phan Xá, Phúc Lộc) được công nhận là chi bộ thép; Đảng bộ và nhân dân Uy Nỗ được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, cùng hàng chục Bằng khen về thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu…

Về Uy Nỗ trong những ngày này khi TP Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tôi bắt gặp những sắc màu tươi vui của đời sống dân sinh nơi đây. Toàn bộ đường làng ngõ xóm được bê tông hóa; điện, đường, trường, trạm được đầu tư kiên cố, 5/7 thôn được công nhận là Làng văn hóa… Trên quê hương cách mạng thuở nào vang vọng những âm thanh mới, một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn và chờ đón mảnh đất ấy, con người ấy ở phía trước…

Nguyên Hoa