Nghị trường cởi mở, gần dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 24/11/2012
Trên tinh thần Nghị quyết 27/2012 về cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, điểm đầu tiên được dư luận đặc biệt chú ý đó chính là số lượng các nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Quốc hội được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã tăng lên đáng kể, tới 13 buổi. Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp như thông lệ, thì người dân cảm thấy thỏa mãn hơn khi được theo dõi, giám sát hoạt động của các đại biểu do mình bầu ra trong nghị trường qua trực tiếp theo dõi các phiên thảo luận các nội dung quan trọng như sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai… Đây là những vấn đề vốn được người dân đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp, sát sườn tới quyền lợi của mỗi người, với sự phát triển của đất nước nhưng trước đây thường được thảo luận xem là "nhạy cảm" nên chưa thực sự được thảo luận công khai.
Cũng bắt đầu từ sự mở rộng công khai, minh bạch các hoạt động và nội dung thảo luận quan trọng trước nhân dân, lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, chuyện được dư luận bàn thảo nhiều, người dân trăn trở khi trước đó còn tồn tại tình trạng "thất hứa". Từ báo cáo này, người dân có cơ sở để giám sát ai không thực hiện lời hứa, ai tín nhiệm thấp hướng tới bỏ phiếu tín nhiệm theo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, bao gồm cả Chủ tịch nước và Thủ tướng.
Nếu nhận xét một cách sòng phẳng thì vẫn còn một số vấn đề dân sinh bức xúc chưa được các thành viên Chính phủ giải đáp, xử lý hợp lý. Có vị tư lệnh ngành trả lời chất vấn còn "chọn dễ, né khó", tức là tránh những câu hỏi phức tạp bằng các trả lời chung chung, nước đôi, thậm chí có vị còn "làm khó" đại biểu bằng "lời mời" ghé thăm trụ sở để được giải đáp. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận chính những cơ chế dân chủ, cởi mở và minh bạch được coi là tiền đề cho những chất vấn mạnh dạn, thẳng thắn trước những vấn đề cấp bách như Thủy điện Sông Tranh 2; các vấn đề về thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai, thời hạn giao đất nông nghiệp, phương pháp xác định giá đất; chống tham nhũng… cả về trách nhiệm và giải pháp sẽ là cơ sở giúp Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng điều hành công việc tốt hơn.
Đặc biệt là tại diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất kỳ này, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ dũng cảm nhận lỗi trong công tác điều hành trước Quốc hội, trước nhân dân và được cử tri coi là nét văn hóa mới. Điều này tạo ấn tượng khá mạnh cho cử tri. Từ sự đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, cử tri, người dân được "kết nối trực tiếp" với hoạt động nghị trường, được nghe, được giám sát lời nói hoạt động của các đại biểu. Sự đổi mới ấy cũng là "chế tài" đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm hơn với nhân dân.
Những thay đổi mạnh mẽ theo hướng dân chủ, công khai này thực sự đã đem lại sự gần gũi, tin cậy hơn của cử tri dành cho Quốc hội.