Bài 5: Ám ảnh những ngôi miếu ven đường

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 23/11/2012

(HNM) - Từ Quảng Bình, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm nguyên nhân của các vụ TNGT trên QL 1A. Không ai có thể lý giải được khi nhiều vụ lại xảy ra dày đặc trên một cung đường.

Ngoại thành Quảng Bình, chớm cầu Quán Hàu là địa phận xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, chúng tôi gặp một ngôi miếu nhỏ trên đường, ngay ngã ba QL 1A với đường đi qua phà Quán Hàu xưa. Phía sau ngôi miếu là tấm panô tuyên truyền về chấp hành luật giao thông đường bộ. Trên thực tế, ngã ba này tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, dòng phương tiện hỗn độn trên đường vẫn cứ vun vút lao và chắc chắn ít người biết đến sự tồn tại của ngôi miếu đã nhuốm màu thời gian.

Một ngôi miếu ven đường quốc lộ 1. Ảnh: Nguyên An


Nói về lịch sử ngôi miếu, anh Trương Công Bình, nhà ở thôn Tây (xã Võ Ninh) cho biết, ngã ba đường này khuất tầm nhìn nên có quá nhiều tai nạn giao thông xảy ra. Thương cảm cho số phận của những người không may nằm lại, cách đây chừng 7, 8 năm, nguời dân ở đây đã bảo nhau dựng miếu. Mỗi tiết ngày rằm, mùng một, nhiều người ra miếu thắp hương cho họ đỡ tủi, đồng thời cầu mong vong linh những người thiệt mạng phù hộ độ trì để những chuyến xe lưu thông qua đây được bình an. Còn ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh chợt giật mình khi nghe chúng tôi hỏi về những ngôi miếu trên địa phận xã: - Úi, đoạn ni thời gian trước, năm nào cũng ít nhất 2 người thiệt mạng. Năm nhiều có đến 5, 6 người cơ. Có những đoạn người dân lập miếu riêng, có đoạn họ gom cả lại rồi lập miếu chung.

Mức độ tàn khốc của TNGT đâu chỉ thể hiện qua những số liệu khô khan, qua những gia đình bỗng dưng mất đi một người thân. Trên suốt dọc đường, chúng tôi không ngừng quan sát tốc độ của những chiếc xe xuôi ngược. Họ cứ vô tư đi với vẻ mặt thản nhiên mặc cho sự hiện diện của những ngôi miếu nhỏ cứ mọc ven đường. Những người dân thôn Hòa Đông (xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn chưa quên vụ tai nạn cướp đi mạng sống của 2 người khi chiếc xe chở khách mang BKS Bình Định tông thẳng vào đuôi xe tải mang BKS tỉnh Thanh Hóa khiến lái xe tải chết ngay tại chỗ. Ngay phía sau, một người dân huyện Lệ Thủy đi xe máy không kịp phanh cũng lao vào đuôi xe tải và chết trên đường đi cấp cứu. Ít lâu sau, người đi đường thấy mọc lên một ngôi miếu nhỏ đúng nơi xảy ra tai nạn và luôn đỏ hương vào mỗi ngày rằm, ngày đầu tháng.

Chỉ cách đó vài chục mét, ngay trước nhà bà Võ Danh Thoàn, một ngôi miếu cũng được dựng lên giữa bãi đất trống trước sân. Bà Thoàn rầu rầu kể, hồi đó đoạn đường này đang được sửa chữa. Hằng ngày, bà Thoàn đi chợ, nấu ăn, phục vụ những công nhân làm đường với mong ước con đường này ngày càng đẹp hơn, ít tai nạn hơn. Ngày làm đường xong cũng là lúc tình cảm người đi, người ở càng gắn bó. Sau buổi chia tay bịn rịn với cô cấp dưỡng, những công nhân hăm hở trở về gia đình. Thế nhưng một công nhân đã không bao giờ có thể về nhà vì bị chiếc xe khách lướt qua đã nghiến ngang người. Người xấu số là anh Phạm Văn Thảo, quê ở Phú Thọ. Trên đúng đoạn đường anh vừa tham gia làm xong, người ta đã tổ chức một đám tang đẫm nước mắt. Hai con anh Thảo, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi cũng vượt qua quãng đường gần 500km để đưa xác bố về quê an táng. Thấy chúng tôi ghi chép tỷ mỉ, bà Thoàn nghẹn lại, nói với chúng tôi giọng đầy nước mắt: "Cô lập miếu này mong hắn được siêu thoát, đỡ quấy rầy người đi đường. Liệu có sao không con?". Nghe bà Thoàn hỏi, chúng tôi chợt lặng người. Đó cũng là một quan niệm cầu mong an toàn cho những người hằng ngày vẫn đi qua quãng đường này.

Đi dọc quốc lộ 1A, đếm hàng trăm ngôi miếu được xây cất khác nhau, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Mỗi ngôi miếu dành cho mỗi số phận khác nhau, họ ở mọi miền đất nước nhưng đều có một mẫu số chung là bất hạnh và thảm khốc: Sự thảm khốc của giao thông và nỗi bất hạnh của cuộc đời họ cùng gia đình. Đối diện quán cơm Hồng, xã Sen Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình), chỉ cách nhà bà Thoàn vài chục mét có một ngôi miếu nhỏ, cũ kỹ đã xám màu thời gian. Chị Lê Thị Hồng, chủ quán kể lại: Chiều 30 Tết năm 2008, hai cô gái trẻ, chỉ khoảng 17, 18 tuổi, đang đi bộ trên đúng phần đường thì bị một xe tải chạy hướng Nam - Bắc đang sầm sập lao trên đường bỗng mất lái đâm vào. Cả hai tử vong tại chỗ. Thương hai cô nên người dân ở đây lập miếu cúng cho họ đỡ tủi. Dù thế, chỉ ít năm sau, cũng ở đoạn đường này, người cô ruột của chị Hồng trong lúc chờ xe khách cũng tử nạn do xe tải mất lái lao vào.

Kể về "lai lịch" ngôi miếu phía bên kia đường, đối diện cửa, với chúng tôi, giọng bà Lê Thị Hảo, ngã ba Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trầm hẳn xuống. Đấy là nơi thờ hai người, cùng ngụ tại Vĩnh Linh, tham gia giao thông nằm lại đoạn này mấy năm trước. Ngày rằm, mùng một, ngày lễ nào bà Hảo đều đặn hương khói cho họ. Và không chỉ bà, mấy hộ dân ở đây cũng làm thế. Nhưng với bà Hảo, ngôi miếu ấy còn gợi lên nỗi đau suốt đời. 13 năm trước, chồng bà cũng mất vì tai nạn giao thông ở đoạn đường cách đó không xa. Khi đó, bà hãy còn rất trẻ, ba đứa con, đứa lớn nhất 19 tuổi, bé nhất 7 tuổi. Bà Hảo kể thêm, phía bên nhà, có cô bé gần 20 tuổi. Khi tận mắt chứng kiến liên tiếp hai vụ TNGT bên đường, cô bé vì sợ hãi quá mà bỏ nhà đi. Gia đình đã phải cất công đi tìm cả tháng trời mới thấy. Sau đó, gia đình họ phải chuyển nhà vào giữa làng sinh sống.

Ám ảnh nhất với chúng tôi là ba ngôi miếu được lập sát nhau ở điểm giao cắt đường ngang từ QL1 qua đường sắt Bắc Nam vào trong khu dân cư xã Hải Sơn, Hải Lăng (Quảng Trị). Đã già, chứng kiến nhiều vụ việc thương tâm, bác bán nước bên đường thủng thẳng: - Chết liên tục. Người chết vì tai nạn đường bộ có, tai nạn đường sắt có. Đến giờ, cũng phải chục mạng người nằm lại đó. Khổ lắm chú ạ!

Hỏi những người dân ven đường, hỏi những chiến sĩ CSGT - bộ phận trực tiếp xử lý vụ việc mới thấy, những ngôi miếu - như những chứng tích về TNGT bi thảm ở dọc cung đường này đã hằn vào tâm trí của họ. Đó là vào hồi 8h20 ngày 18-11-2011, tại km 752+700 QL1A thuộc địa phận thôn Phú Hậu (Cam An, Cam Lộ), anh Nguyễn Minh (P. 5, TP Đông Hà)  chở theo hai bà cháu vượt sai quy định đã va vào xe ô tô mang BKS 77L- 4014 kéo theo rơ moóc đi cùng chiều. Hậu quả hết sức đau lòng khi cả ba người đi xe máy đều tử nạn. Mới đây, tại km 761+500 trên cầu Lai Phước, anh Nguyễn Thanh Hợi, sinh năm 1983, chở theo anh Lê Quang Vũ, sinh năm 1986, cùng ở P. 2, TX Quảng Trị khi vượt đã va chạm với ô tô tải mang BKS 73L-8044. Cả hai ngã xuống. Lúc này, xe ô tô mang BKS 74K-8286 chạy tới. Hai nạn nhân đều thiệt mạng. Kết luận của cơ quan chức năng cho thấy hai người đi xe máy đã vượt sai quy định.

Theo phòng CSGT tỉnh Quảng Trị, ý thức người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn hết sức bi thảm. Trong thời gian ngắn thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 603 trường hợp vi phạm, trong đó 501 trường hợp điều khiển xe máy. Còn trong chuyên đề xử lý vi phạm dừng đỗ, xe khách chở quá số người quy định, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý tới gần 2.600 trường hợp. Đấy là chưa kể tới 80 đối tượng sử dụng giấy phép lái xe giả, bao gồm 43 người điều khiển ô tô. Và chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn tự hỏi: Khi giấy phép lái xe giả thì liệu kỹ năng tham gia giao thông của họ có thật?

Từ Quảng Bình đến Huế, chúng tôi nhẩm đếm được tới gần một trăm ngôi miếu ven đường. Ban đầu chúng tôi còn đếm rất hăng. Sau thì nhiều quá, chỉ đếm thầm. Nỗi đau cứ đầy dần lên. Ngôi miếu ít thì thờ một người, nhiều thì ba, bốn… Đây đâu còn là những con số đếm đơn thuần. - "Quốc lộ thành nghĩa trang của những người bị TNGT mất rồi!" - Ai đó trong xe chúng tôi bỗng thảng thốt.

Nhóm Phóng viên