Trăn trở bảo tồn di sản văn hóa dân gian

Xã hội - Ngày đăng : 06:06, 23/11/2012

(HNM) - "Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta bằng đại bác", câu nói nổi tiếng ấy được các đại biểu tham dự hội thảo "Phát huy di sản văn hóa dân gian - thực trạng và nhu cầu phát triển" diễn ra ngày 22-11 nhắc đi nhắc lại nhiều lần để cảnh báo về tình trạng di sản văn hóa dân gian (DSVHDG) đang mai một.



Các đại biểu cũng cảnh báo, nếu không kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị thì tương lai không xa, cộng đồng sẽ phải trả giá đắt vì sự thờ ơ với "những đứa con" tinh thần do mình sinh ra.

Ca trù, một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Mất không gian văn hóa là mất di sản

Theo bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thì: VHDG là một khái niệm rộng, bao gồm giá trị vật chất và tinh thần do nhân dân sáng tạo ra trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Nó phản ánh và đúc kết những kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống của người dân, cho nên có thể nói VHDG là văn hóa gốc - văn hóa mẹ. Đó là kho tàng ca dao, hò vè, truyện kể, huyền tích, huyền thoại, tín ngưỡng, diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống. "Đáng buồn là VHDG đang bị lu mờ trước các trò chơi hiện đại, trước lối sống gấp gáp, tâm lý sính ngoại của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay", bà Đỗ Thị Hảo trăn trở.

Đồng tình với nhận định này, nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân xót xa: "Lâu lắm rồi tôi không còn gặp hình ảnh các cháu thiếu nhi vui chơi các trò chơi dân gian ở sân trường, ở câu lạc bộ thiếu nhi và gia đình nữa. Lâu lắm rồi tôi cũng không được nghe các cháu hát đồng dao nữa". Theo nhà nghiên cứu Giang Quân, các trò chơi dân gian có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nhân cách và trí tuệ của trẻ, góp phần hoàn thiện tính chân, thiện, mỹ trong mỗi con người nên trò chơi dân gian rất cần được phục hồi, bảo tồn và phát triển.

Khẳng định VHDG đang mai một, nhà nghiên cứu Trần Minh Nhương, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đưa ra dẫn chứng: Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) khi mở rộng đường làng đã biến cái giếng làng hình tròn thành hình chữ D, ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp của làng quê, mất đi không gian văn hóa. Từ ví dụ thực tế này, ông Trần Minh Nhương lo ngại, một mai tục hát trống quân độc đáo ở huyện Phúc Thọ (đào hố ven đường, đặt tấm ván lên thành mặt trống rồi căng sợi dây mây gõ thành tiếng đục tiếng trong) hay hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp (Đan Phượng) có thể mất đi nếu đường làng bị bê tông hóa. "VHDG luôn tồn tại và phát triển trong môi trường, không gian văn hóa phù hợp. Khi không gian văn hóa bị thu hẹp thì VHDG cũng sẽ bị mai một", ông Trần Minh Nhương nhấn mạnh.

Múa rồng, một hoạt động văn hóa mang đậm tính dân gian truyền thống. Ảnh:
Viết Thành


Đưa VHDG vào trường học chưa hợp lý

Là một loại hình DSVH phi vật thể, văn học, âm nhạc dân gian đã được đưa vào giảng dạy trong trường học. Đó là một trong những giải pháp quan trọng để truyền tình yêu di sản cho thế hệ trẻ, qua đó di sản sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị một cách bền vững. Tiếc rằng, việc giảng dạy VHDG trong trường học hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập.

Nhà giáo Lê Đình Mai cho rằng, văn học dân gian với thể loại thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, tục ngữ, ca dao, truyền thuyết... đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học nhiều năm, nhiều thế hệ, nhưng hầu hết các trường mới dạy cho học sinh biết đặc trưng cơ bản của nó là tính truyền thống và tính tập thể, trong khi hồn cốt của văn học dân gian còn được thể hiện ở tính lịch sử cụ thể và tính hàm ẩn sâu xa. Chính vì sự giảng dạy chưa hết ấy nên đa phần học sinh chỉ phân biệt được văn học dân gian khác văn học viết, chứ không hiểu và cảm nhận được các tầng ý nghĩa và vẻ đẹp lung linh của nó.

Tương tự, nhạc sỹ Lân Cường, PGĐ Trung tâm Khuyến nhạc Hà Nội trăn trở: Âm nhạc là môn học bắt buộc đối với học sinh từ tiểu học đến hết THCS và có sách giáo khoa chuẩn. Thế nhưng, sách âm nhạc dành cho bậc tiểu học có 59 ca khúc thì chỉ có 16 bài dân ca, 3 bài đồng dao Việt; sách âm nhạc bậc THCS có 8 ca khúc dân ca Việt trong khi có 16 bài hát và dân ca nước ngoài. Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng chương trình giảng dạy âm nhạc chỉ có duy nhất bài "Lý cây đa". Di sản ca trù, hát xoan Phú Thọ, nhã nhạc cung đình Huế… không có bài nào được đưa vào giảng dạy. Không những thế, đề án "Đưa giáo dục âm nhạc dân tộc vào các trường tiểu học Hà Nội" chỉ thực hiện được 2 năm tại Trường Nam Thành Công đã phải dừng lại vì không có kinh phí, còn cuốn bản thảo "Những bài dân ca quan họ Bắc Ninh dành cho lứa tuổi học sinh" của nhạc sỹ Nguyễn Trung (Chi hội Âm nhạc Bắc Ninh) dù được đánh giá cao nhưng mấy năm nay vẫn chưa được xuất bản.

"Thực tế đã chứng minh, VHDG là nền tảng văn hóa tinh túy, được chọn lọc, điều tiết và tu chỉnh qua nhiều thế hệ. Bởi thế, VHDG cần được các thế hệ người Việt Nam hôm nay bồi đắp, tạo điều kiện, cơ hội để thăng hoa, trong đó việc điều chỉnh chương trình giáo dục VHDG trong trường học cho phù hợp cũng là một cách làm hay, ý nghĩa", Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội Bằng Việt khẳng định.

Minh Ngọc