Một lần đến thăm "Trại 06"
Giới trẻ - Ngày đăng : 14:29, 02/05/2004
Một dãy nhà trong trại 06.
Bốn giờ chiều, sau khi tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của mình để trao đổi sơ qua về tình hình hoạt động của Trung tâm, anh Đặng Văn Lục - Phó Giám đốc - liền gọi điện qua bên quản lý học viên, chuẩn bị trước cho một cuộc “gặp gỡ”.
Giá mà biết trước nỗi đau này!
Sinh hoạt thường ngày của các trại viên.
Trên tầng hai của lô nhà mới xây, phía sau mỗi cánh cửa sắt chắc nịch, hàng chục cặp mắt lờ đờ ngước lên, thất thần nhìn khách. Qua song sắt, tôi thấy đám “bác sỹ” (từ quen gọi với các con nghiện chuyên chích choác bằng kim tiêm) miệng ngáp ngáp mấy cái một cách mệt mỏi, rồi chẳng ai bảo ai tất cả đồng thanh nói: “Cháu chào chú”. Nhác trong đám “bác sỹ” cũng thấy cả những gương mặt rất tuấn tú.
- Các trường hợp này hầu hết đều nghiện rất nặng, có đứa đã chạy hết từ Ba Vì, Thái Nguyên… rồi mới về đây. Chẳng biết rồi sẽ ra sao nữa, ở đây chúng tôi vẫn thường xuyên phát hiện được những trường hợp con nghiện định dùng dây quần thắt cổ tự tử hoặc lấy dát giường tự đâm mình. Đấy! cái cậu Tuấn ngồi trong góc kia là một ví dụ như vậy - anh Trần Quyết Chiến, Phó phòng Y tế - giải thích.
Một trại viên nhiễm HIV.
Dưới tầng một của khu y tế là hai căn phòng kín mít dành riêng cho những đối tượng nghiện đã mắc Aids giai đoạn cuối. Hai chiếc khoá chỉ được mở khi đến giờ ăn uống, thăm khám bệnh hoặc khi các con nghiện có nhu cầu vệ sinh. Ngay trước cửa phòng được đặt một chiếc chăn bông sũng nước còn bên trong thì lúc nào cũng ướt dầm dề. Khu vực này mùi thuốc tẩy trùng trộn lẫn với mùi ẩm mốc, mùi hơi người bệnh tạo nên một cảm tanh tanh đến lợm giọng, không quen chắc khó có thể chịu đựng được quá 2 phút. Đám con nghiện là những bệnh nhân Aids này ai đó đều chỉ còn là những bộ xương được bọc bằng một lớp da sần sùi, bệnh hoạn, dáng đi khoòng khoòng, rũ xuống nhìn giống như những “xác ướp Ai Cập”.
Sau khi đã gọi mấy bệnh nhân ra để chúng tôi tiếp xúc và chụp ảnh, Phó giám đốc Đặng Văn Lục lại trầm tư: “Chẳng biết đến lúc nào thì mấy đứa sẽ ‘ra đi’, có thể là vài tuần nhưng cũng có thể chỉ vài ngày nữa, cuộc sống của chúng đang được đếm từng giờ”.
Gánh nặng khó vơi
Hiện tại, Trung tâm 06 chỉ có 9 phòng dành làm khu điều trị cho những đối tượng đang trong giai đoạn cắt cơn, thế nhưng số “bác sỹ” mà hàng ngày các anh phải nhận vào ngày càng nhiều. Anh Trần Quyết Chiến cho biết: “Trung tâm hiện có 1136 học viên, trong đó thường xuyên có 200 đối tượng đang giai đoạn điều trị cắt cơn. Tất cả 200 con người đó đều phải ở trong 9 cái phòng này cả và do vẻn vẹn 12 nhân viên y tế phụ trách”.
Số lượng đối tượng cai nghiện của Trung tâm đã ở mức quá tải như vậy, nhưng khó khăn không phải chỉ có thế. Hầu hết các con nghiện được đưa vào đây đều là đối tượng lang thang, không gia đình. Thậm chí ngay cả những trường hợp do gia đình gửi vào cũng bị bỏ mặc khiến cho gánh nặng của xã hội mà ở đây cụ thể là của Trung tâm 06 càng nặng thêm. Anh Lục cho biết, kinh phí hoạt động của Trung tâm quá hạn hẹp, tiền ăn được cấp cho đối tượng bị cưỡng chế chỉ 6 tháng, trong khi đó thời gian cưỡng chế đối tượng là 12 tháng, 6 tháng còn lại người cai nghiện phải đóng. Song do hầu hết các đối tượng đều không có gia đình khiến trung tâm phải tự trang trải. Suất ăn của các học viên chỉ ở mức 2500 đồng/ngày nên Trung tâm đã rất cố gắng nhưng cũng chẳng thể “ngon” hơn được. Ở Trung tâm, học viên được ăn hai bữa một ngày, khẩu phần của họ chỉ gồm cơm, một chút nước thịt và một chút canh. Do đông người nên phải chia thành nhiều ca ăn, khi chúng tôi đến còn chưa đến bữa tối, nhưng hàng trăm suất ăn đã được bày la liệt trên bàn, nguội ngơ ngắt!
Quả thật, nếu chỉ nghe thôi thì cũng thấy bình thường, phải khi chứng kiến tận mắt mới thấy hết được những hình ảnh “đầy tính giáo dục” ấy. Ngay chính những con nghiện kia trước khi cầm cây xi lanh tự làm “bác sỹ” cho mình mà được “tham quan” cảnh tượng ở đây thì chắc hẳn sẽ chẳng có kẻ nào dám liều mà “đâm”, “chích”, “cấy mà” để chết dần trong HIV và ma túy.
Còn chút hy vọng…
Chơi thể thao trước bữa ăn chiều.
Trước khi đi thăm khu cách ly, chúng tôi cũng đã được tiếp xúc với số học viên tự nguyện hoặc đang trong giai đoạn điều trị phục hồi. Những cái tên như: Đàm Xuân Vương, Nguyễn Anh Phương, Nguyễn Văn Đức… tất cả bọn họ đều là diện tự nguyện có mặt ở Trung tâm từ những ngày đầu mới thành lập, họ rất khoẻ mạnh và đang thoăn thoắt với công việc trang trí hội trường nơi đặt hòm phiếu bầu cử. Nói chuyện với chúng tôi, họ tỏ ra rất vui vẻ, cởi mở, chẳng giấu giếm về quá khứ đen tối của mình.
Đàm Xuân Vương, 31 tuổi, quê Thanh Trì, Hà Nội tự tin nói: “Tôi vào đây từ ngày đầu thành lập Trung tâm (năm 2000), giờ sức khoẻ đã tốt lại được lãnh đạo Trung tâm tạo điều kiện được học nghề, hy vọng sau khi trở về cộng đồng sẽ có cơ hội làm ăn lương thiện, trở thành người tốt”. Còn Nguyễn Văn Đông, chàng trai 18 tuổi quê ở Bắc Ninh, người lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu cử trong một hoàn cảnh đặc biệt, hối hận: “Em đã nhận được bài học đắt giá này, điều mà khi còn sống trong vòng tay yêu thương của gia đình em không nghĩ được. Vào đây được lao động, được học tập mới cảm thấy yêu quý chính mình”.
Chẳng biết rồi họ sẽ thực hiện lời nói của mình đến đâu, nhưng được nghe thế, được chứng kiến cảnh từng tốp học viên tụ tập đàn hát vui vẻ, rồi chơi thể thao hay nhiệt tình tham gia vào các hoạt động chung của Trung tâm, tôi nghĩ dường như đó là hy vọng cuối cùng cho họ cũng như cho cả xã hội để ngăn ngừa đại dịch ma tuý và HIV/AIDS...
Bài: Tuấn Anh.Ảnh: Hồng Hải