Hòa giải viên: Cần cả uy tín lẫn hiểu biết pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 16:35, 22/11/2012
Theo các đại biểu Quốc hội, sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức hòa giải ở cơ sở, hoạt động này đã giải quyết được các mâu thuẫn vi phạm pháp luật, các tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa và tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. Vì vậy, việc ban hành Luật hòa giải ở cơ sở là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở với quan điểm không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Đi vào một trong các nội dung được quan tâm nhiều nhất là về tiêu chuẩn của hòa giải viên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng cho rằng, hòa giải cũng là một nghệ thuật vì đặc trưng của hòa giải cơ sở là có lý, có tình, việc chuyển tải cái lý phải trên cơ sở cái tình. Do đó, hòa giải viên không chỉ đơn thuần làm việc giảng giải phân tích cho các bên mà nhiều khi cần sử dụng cả mưu mẹo, kế sách, vận dụng những kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quan sát hợp vào từng vụ việc để làm cho biến mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, từ mâu thuẫn nhỏ trở thành không có mâu thuẫn, có như vậy hòa giải mới thành công.
“Hòa giải viên theo tôi phải là người có uy tín, có kỹ năng vận động thuyết phục am hiểu tập quán địa phương, tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm chứ không bắt buộc phải là người có hiểu biết pháp luật. Do đó tôi đề nghị bỏ tiêu chuẩn có hiểu biết pháp luật như trong dự thảo bởi chúng ta đánh giá tiêu chuẩn này theo tiêu chí gì, đòi hỏi phải hiểu biết pháp luật ở mức độ nào?”, đại biểu Thúy đặt vấn đề.
Đại biểu Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc ủng hộ quan điểm này. Theo đại biểu Thủy, không nên quy định là hòa giải viên phải có hiểu biết về pháp luật vì chất lượng hòa giải phụ thuộc vào uy tín, khả năng thuyết phục của hòa giải viên và điều quan trọng nhất là hòa giải viên là người hoạt động tự nguyện.
“Người Việt Nam chúng ta có quan niệm là "trăm cái lý không bằng một tý cái tình" mà hoạt động hòa giải thì cái tình rất quan trọng. Thực tế là nhiều trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết là do các bên có mâu thuẫn, tranh chấp nghe lời hoặc nể những người đứng ra để dàn xếp hòa giải”, đại biểu Thúy nói.
Cũng quan tâm tới nội dung quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Hà Tĩnh lại đề nghị, hòa giải viên cần đáp ứng 2 tiêu chuẩn sau: Là người có phẩm chất đạo đức, có uy tín trong cộng đồng; Có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng tự nguyện, nhiệt tình, có trách nhiệm và có hiểu biết pháp luật.
Cùng ủng hộ quan điểm này có các đại biểu Lưu Thị Huyền - Ninh Bình, Nguyễn Thị Bạch Ngân - Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Xuân Trường - TP Hải Phòng, Nguyễn Văn Pha - Nam Định…
“Ngoài đạo đức, uy tín thì trên cơ sở hiểu biết pháp luật hòa giải viên có thể giải thích, tuyên truyền, thuyết phục sẽ có hiệu quả cao hơn. Vì tôi nghĩ rằng trong cái tình cần phải có cái lý, nếu chúng ta giải quyết hợp lý thì nó sẽ nâng cao cái tình lên vừa có tình, vừa có lý. Theo tôi hiểu biết về pháp luật tôi thấy cần thiết như trong dự thảo luật”, đại biểu Ngân nói.
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Trần Thị Hiền - Hà Nam lại đề nghị không nên quy định tiêu chuẩn hòa giải viên, bởi vì nếu quy định về tiêu chuẩn sẽ khó lựa chọn được hòa giải viên.
“Nên chăng hiện nay có các trưởng đoàn ở cơ sở, cộng đồng dân cư như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, ban công tác Mặt trận, khuyến học, nên động viên thuyết phục họ làm hòa giải viên. Bởi theo quy định của pháp luật thì một số chức danh này có phụ cấp hỗ trợ công tác. Do đó nếu để họ tham gia hoạt động hòa giải thì sẽ nâng cao trách nhiệm thực tế ở tại cơ sở họ trực tiếp là người tiến hành hòa giải”, đại biểu Hiền đề xuất.
Về quyền của hòa giải viên, đại biểu Hồ Thị Thủy – Vĩnh Phúc đề nghị cân nhắc quy định hòa giải viên được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng khi thực hiện hòa giải. Bởi quy định này sẽ là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước, rất khó khả thi, dễ bị lạm dụng và phát sinh những tiêu cực.
“Mặc dù dự án luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết khoản này nhưng theo tôi nhà nước chỉ cần hỗ trợ kinh phí cho công tác tập huấn trong đấy có tài liệu tổ chức các lớp tập huấn, sơ kết, tổng kết và có các chính sách động viên, khen thưởng những người có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải. Không đặt vấn đề là hòa giải viên được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng khi thực hiện hòa giải để tránh tình trạng các hòa giải viên phụ thuộc vào kinh phí hoạt động, đánh mất đi tính tự nguyện, tinh thần bảo vệ và xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư”, đại biểu Thủy nói.
Chung quan điểm, đại biểu Nông Thị Lâm - Lạng Sơn cũng băn khoăn với quy định trong dự thảo. Theo đại biểu Lâm, dự luật nên làm rõ khoản thù lao đối với từng trường hợp hòa giải thành và hòa giải không thành. Nếu quy định chung như vậy thì liệu nguồn ngân sách có đáp ứng được hay không?
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Pha - Nam Định lại không tán thành quan điểm này. Ông cho biết, ông “cảm thấy rất buồn khi có đại biểu nói rằng chi một phần thù lao cho hòa giải viên là tạo gánh nặng về ngân sách”.
“Tôi cũng thử hỏi nhiều người trong chúng ta ngồi đây, chúng ta bỏ ra cả ngày, thậm chí nhiều ngày để làm một công việc để rồi không có một đồng thù lao nào, liệu chúng ta có cảm thấy băn khoăn, bứt rứt hay không. Trong khi đó ở cơ sở rất nhiều cụ, nhiều bác dành cả tâm huyết và toàn bộ thời gian của mình dành cho sự nghiệp này, nếu chúng ta không có sự quan tâm thỏa đáng kể cũng không công bằng lắm”, đại biểu Pha nói.
Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, ngoài ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, sau kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức những cuộc tiếp xúc, lấy ý kiến của các chuyên gia và những người có uy tín, có kinh nghiệm trong hoạt động của Mặt trận, dân vận và các đoàn thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.