Đồng hành cùng truyền thống và đạo lý Việt
Chính trị - Ngày đăng : 07:34, 22/11/2012
Sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề chăm sóc các cháu nhỏ bị bỏ rơi tại chùa. Ảnh: Quốc Khánh |
Giúp đỡ người bất hạnh
Từ lâu nay, chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) đã trở thành nơi chở che những người khốn khó, không nơi nương tựa. Trong phòng nuôi trẻ sơ sinh tĩnh lặng, cô nuôi Nguyễn Thị Lan cười hiền: "Cảm động vì tấm lòng nhân từ bao la của sư thầy Thích Đàm Lan, hơn 20 mẹ nuôi trẻ ở đây đều tình nguyện vào chùa để góp phần nhỏ bé cùng sư thầy lo cho những đứa trẻ tội nghiệp". 22 tuổi, chưa lập gia đình, chưa một lần làm mẹ, cô sinh viên mới ra trường quê Nghệ An xinh đẹp này đã gác lại các dự định cho tương lai để vào chùa, tình nguyện cùng sư thầy chăm sóc những sinh linh bị bỏ rơi. Những ngày đầu vô cùng khó khăn, phải tập làm quen từ những điều nhỏ nhặt nhất: Cho trẻ bú bình, tắm rửa, thay tã lót, vệ sinh cho trẻ. Chẳng mấy khi cô được ngủ trọn đêm. Đã có "thâm niên" gần 2 năm ở chùa, Lan được giao chăm nom 4 cháu nhỏ trong số 143 trẻ bị bỏ rơi, 45 người già không nơi nương tựa, 49 phụ nữ lỡ lầm mang thai hiện đang được nhà chùa cưu mang.
Cùng với chùa Bồ Đề, hiện trên cả nước, tăng ni, phật tử đã tổ chức được hơn 1.000 lớp học tình thương và 36 cơ sở nuôi dạy, chăm sóc, chữa trị cho hơn 20.000 trẻ mồ côi, khuyết tật, nhiễm chất độc da cam; 20 cơ sở nhà dưỡng lão nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 1.000 người già cô đơn. Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã xây dựng được 10 cơ sở dạy nghề, đào tạo và giới thiệu việc làm ổn định cho hàng nghìn học viên. Những việc làm đó đã minh chứng cho những hoạt động tốt đời, đẹp đạo của tăng ni, phật tử cả nước.
Chung tay vì cộng đồng
Những năm qua, tăng ni, phật tử cả nước đã tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, gương mẫu tham gia các phong trào "Ích nước, lợi đạo", xây dựng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xóa đói giảm nghèo... Nhiều tăng ni tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, được bầu là đại biểu QH, HĐND, ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp.
Ở nhiều lĩnh vực, những bóng áo cà sa luôn tích cực đi đầu, vận động từ thiện, tích cực lao động, sản xuất, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có mặt cả ở nơi biên giới, biển đảo của Tổ quốc để trực tiếp gìn giữ sự bình yên, khẳng định chủ quyền của đất nước…
Trong 5 năm qua, tăng ni, phật tử toàn quốc đã tích cực quyên góp, vận động được hơn 2.879 tỷ đồng để cứu trợ, ủng hộ người nghèo... Dưới sự chỉ đạo của GHPGVN, công tác cứu trợ nạn nhân thiên tai, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa… đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: Phẫu thuật thủy tinh thể cho hơn 22.000 người già, xây 2.500 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; 30 lớp học tình thương, 3 trường mẫu giáo, ủng hộ và nuôi dưỡng hơn 100 Mẹ Việt Nam anh hùng. Tăng ni, phật tử đã góp công của xây 250 cầu bê tông, 27.000m đường xi măng, tặng 370 chiếc xuồng, khoan 1.510 giếng nước sạch, tặng 1.600 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, 1.000 xe đạp cho học sinh nghèo…
Bên cạnh đó, hiện cả nước có 165 Tuệ Tĩnh đường, 10 phòng khám Đông - Tây y, hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc do tăng ni tổ chức, hằng năm châm cứu, bấm huyệt, khám, chữa trị và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tăng ni các chùa Pháp Vân, Thanh Nhàn, Phổ Linh (Hà Nội), Kỳ Quang, Diệu Giác (TP Hồ Chí Minh), Quang Minh (Đà Nẵng), Bảo Quang (Hải Phòng), tịnh xá Ngọc Lộ (Quảng Trị)… thường xuyên trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy trẻ tật nguyền, bệnh nhân HIV, khám chữa bệnh, phát cơm cháo miễn phí...
Trong nhiệm kỳ VII (2012-2017), GHPGVN chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác đoàn kết, hòa hợp, không ngừng nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm hạnh, nỗ lực góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc. Đó cũng là nối tiếp nguyện vọng và nỗ lực tô thắm truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.