Trách nhiệm phải xứng đáng với niềm tin!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:52, 22/11/2012

(HNM) - Hôm qua, ngày 21-11, Hà Nội và cả nước đón nhận một sự kiện quan trọng: Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013). Luật Thủ đô đã được soạn thảo công phu, nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, được xây dựng và chỉnh sửa một thời gian khá dài;....

Trước đó, ngày 6-1-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Theo đó, sẽ huy động tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, tinh thần của Thủ đô và cả nước xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường…

Luật Thủ đô là văn bản luật quan trọng, là điểm tựa pháp lý vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội chung sức xây dựng Thủ đô phát triển lên tầng mức mới, luôn xứng đáng là trái tim của cả nước, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", xứng đáng với vị thế Thủ đô của nước Việt Nam đang hội nhập sâu rộng cùng thế giới. Nghị quyết số 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và việc Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ tư thông qua Luật Thủ đô đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đây có thể xem là một sự tôn vinh đối với Thủ đô của một quốc gia nhưng đồng thời cũng là niềm tin, là sự trông đợi, kỳ vọng, yêu cầu của cả nước đối với Hà Nội, bởi Thủ đô là của cả nước và Hà Nội phải phát triển vì cả nước, đồng hành trong công cuộc đổi mới, đi lên cùng cả nước.

Với những quy định mang tính đặc thù, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống sẽ tạo cơ sở để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, phát triển hạ tầng, tăng cường quản lý đô thị, bảo đảm cho người dân có một cuộc sống tốt hơn, hình thành một nếp sống văn minh trong mỗi cư dân của Thủ đô văn hiến và hiện đại… Luật Thủ đô góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho Hà Nội phát huy cao độ tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá trong những năm tới, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Nhưng Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cũng đặt lên vai Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội nghĩa vụ, trách nhiệm ngày càng to lớn hơn, nặng nề hơn trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý đô thị, khi Hà Nội đảm nhiệm vai trò là một động lực phát triển của cả nước... Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô hiểu hơn hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, càng phải ra sức phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để xây dựng và phát triển Thủ đô, gặt hái những thành công mới để xứng đáng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và sự tin tưởng của nhân dân.

Luật Thủ đô là cơ sở pháp lý quan trọng để quyết tâm xây dựng Thủ đô Văn hiến - Anh hùng ngày càng văn minh hiện đại của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sớm thành hiện thực. Nhưng, sẽ không có sự thay đổi nào khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành nếu ngay từ bây giờ, người dân Thủ đô không thật sự nỗ lực trong mỗi việc làm, mỗi hành động. Để Luật Thủ đô thực sự là động lực mới, bên cạnh việc lãnh đạo các cấp, các ngành cần phát huy cao hơn tinh thần trách nhiệm thì mỗi người dân Thủ đô cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm công dân Thủ đô. Nhiều thành công nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn, mỗi người đều ý thức rõ ràng trong mỗi hành động vì Thủ đô, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra những thành quả mới góp phần xây dựng Hà Nội ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Thế Phương