Những khoảng trống đang cần lấp đầy

Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 22/11/2012

(HNM) - Những năm gần đây, quy mô đào tạo sau ĐH, đặc biệt là trong các trường ĐH khối kinh tế đã tăng nhanh chóng, cả về chuyên ngành cũng như số lượng học viên và nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, chất lượng của bậc đào tạo này lại đang có chiều hướng đi xuống nếu nhìn nhận từ khía cạnh "chuẩn chất lượng" của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Dễ dãi, qua loa

Một trong những lý do khiến nhiều người e ngại về chất lượng của các "sản phẩm" nói trên bắt nguồn từ sự gia tăng quy mô của bậc đào tạo sau ĐH. PGS-TS Ngô Kim Thanh, Khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng tình trạng đổ xô đi học thạc sĩ đang tác động đến nhiều người. Một giảng viên có học vị tiến sĩ trong vòng một năm có thể hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ, chưa kể các luận văn đại học. "Sáng tác" khỏe thế nên dễ hiểu là "sản phẩm" không thể có chất lượng cao. Nhiều luận văn có được nhờ công nghệ "cắt dán", có luận văn được sao chép gần như hoàn toàn mà không hề bị phát hiện. Đánh giá về chất lượng luận án tiến sĩ kinh tế ở các trường ĐH khối kinh tế, PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang, Viện Kế toán - Kiểm toán, thừa nhận: Nhiều nghiên cứu sinh chưa thực sự dành tâm huyết cho việc học tập, nghiên cứu, viết luận án. Có người đang trong thời gian viết luận án tiến sĩ nhưng một năm vẫn giảng 1.000 tiết ở một trường ĐH. Có người tham gia kinh doanh ở một công ty và được chấm số ngày công cao nhất…

Lễ bảo vệ luận văn thạc sỹ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Bích Ngọc


Theo PGS-TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Tạp chí Kinh tế và Phát triển), luận văn không phải là yêu cầu bắt buộc đối với mọi chương trình thạc sĩ. Trên thế giới có nhiều chương trình thạc sĩ ứng dụng không yêu cầu học viên làm luận văn tốt nghiệp. Luận văn là sản phẩm của các chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng và thạc sĩ nghiên cứu, có yêu cầu cụ thể với những trọng tâm khác nhau. Tương tự, luận án tiến sĩ hàn lâm (PhD) và luận án tiến sĩ ứng dụng có những mục tiêu và yêu cầu đánh giá chất lượng không giống nhau. Việc phân biệt, xác định cái "tầm" của đề tài và việc thực hiện nghiên cứu được cho là hết sức cần thiết để giải quyết sự bất cập về chất lượng luận văn, luận án.

Cần có tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá

Khâu chấm luận văn được coi là vấn đề nan giải nhất trong việc đánh giá chất lượng của người học ở bậc sau đại học. Theo PGS-TS Ngô Kim Thanh, thoạt nhìn thì có vẻ như quy trình đánh giá luận văn, luận án ở Việt Nam khá chặt chẽ, nhưng thực tế thì chất lượng sản phẩm khoa học vẫn thấp do trình độ và ý thức trách nhiệm không cao của nhiều cán bộ hướng dẫn. Tâm lý dễ dãi với người học, "văn hóa cho điểm" bị ảnh hưởng bởi quan hệ đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đánh giá luận án, luận văn. Trong các hội đồng chấm, nhiều giám khảo nhận xét rất nghiêm khắc, rất chí lý, người nghe có cảm tưởng luận văn, luận án đang được đánh giá có thể "trượt vỏ chuối" nhưng cuối cùng lại nhận được điểm rất cao. Tư tưởng "giám khảo nhận xét thế nào cũng được, miễn là cho điểm cao" đã không khuyến khích việc học tập và nghiên cứu nghiêm túc.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, trên thực tế không có một chuẩn duy nhất cho bất kỳ loại chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nào, cũng không có chuẩn cho luận văn và luận án của các chương trình. Việc xây dựng và đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể là rất khó khăn, dù đó là việc hết sức cần thiết. Điều may mắn là một số yêu cầu cơ bản, tiêu chí cơ bản để đánh giá các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới thường có những điểm chung và việc tham khảo kinh nghiệm của họ là hoàn toàn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Đề cập đến vấn đề này, sau khi nghiên cứu 125 bản nhận xét của các thành viên hội đồng luận án tiến sĩ và thạc sĩ của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, GS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, cho rằng chưa có sự thống nhất trong các bản nhận xét luận văn thạc sĩ. Khoảng trống đầu tiên, dễ nhận thấy là hiện vẫn chưa có hướng dẫn viết nhận xét luận văn thạc sĩ. Điều này đồng nghĩa với việc chưa có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn. Ngoài ra, do chưa tách riêng chương trình đào tạo tiến sĩ hàn lâm và tiến sĩ nghiên cứu ứng dụng nên việc đánh giá luận án có thể chưa sát hợp, luôn hướng tới sự cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn. Nhìn chung, các bản đánh giá thường có nhận xét như "có ý nghĩa khoa học sâu sắc", "đề tài có tính thực tiễn và cấp bách"... bất chấp một thực tế là có những kết quả nghiên cứu lý thuyết chưa thể tìm được ý nghĩa thực tiễn ngay, thậm chí là chưa biết rồi sẽ vận dụng vào thực tế như thế nào.

Cho rằng cần xem xét lại cách đánh giá đối với luận văn, luận án và đề xuất ý kiến cần có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, nhưng theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, đánh giá luận án, luận văn khoa học kinh tế là công việc khó bởi nó chủ yếu mang tính định tính. Vì vậy, tiêu chí, tiêu chuẩn có cụ thể đến đâu cũng vẫn cần sự uyên bác, tính chuyên nghiệp và sự công tâm, khách quan của các thành viên hội đồng.

Quỳnh Phạm