Nền kinh tế Pháp: Con thuyền đang tròng trành
Thế giới - Ngày đăng : 06:03, 22/11/2012
Và khi công ty đánh giá tín dụng uy tín trên thế giới Moody's hạ bậc tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống AA1; đồng thời cảnh báo tín nhiệm tín dụng Pháp có thể sẽ tiếp tục lao dốc thì sự ốm yếu của nền kinh tế Pháp đã thực sự trở thành mối đe dọa mới trong Eurozone.
Khó khăn về kinh tế, nhiều tập đoàn lớn của Pháp đã phải cắt giảm nhân công hàng loạt, đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. |
Dù so với Italia, Tây Ban Nha, hiện Pháp vẫn duy trì được mức xếp hạng tín dụng cao hơn nhờ nền kinh tế lớn và đa dạng, cũng như quyết tâm của Điện Élysée trong cải cách cơ cấu và củng cố tài chính. Thế nhưng, không thể phủ nhận kinh tế Pháp đang mất dần khả năng cạnh tranh ở mức độ toàn cầu. Nguyên nhân là do những bất cập kéo dài về cơ cấu, sự cứng nhắc trên các thị trường lao động và dịch vụ, cũng như tốc độ đổi mới chậm chạp. Xuất khẩu sụt giảm cũng là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế do những tác động của cuộc khủng hoảng nợ. Bên cạnh đó, tương lai của Pháp đang bị đe dọa bởi tình trạng giảm cầu ở cả trong và ngoài nước mà nguyên nhân chủ yếu là do thuế tăng và thu nhập toàn cầu đang đi vào "vùng thấp". Điều này khiến nước Pháp khó lòng triển khai những chính sách kích thích tăng trưởng trong khi vẫn phải chia sẻ trách nhiệm cứu trợ các nước thành viên yếu hơn trong Eurozone. Nói một cách khác, Paris có thể "sa lầy" trong quỹ cứu trợ dài hạn của Eurozone mang tên Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM). Trong khi đó, nguy cơ gánh chịu rủi ro bất đắc dĩ từ những nước có nguy cơ vỡ nợ công tiềm tàng như Italia, Tây Ban Nha luôn ở mức đáng báo động.
Theo dự báo, trong quý III và quý IV năm nay, tăng trưởng của Pháp không thay đổi, vẫn đứng yên ở mức 0%. Như vậy, kinh tế Pháp đã tăng trưởng ở mức dưới 1% quý thứ năm liên tiếp. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 được dự báo sẽ ở mức 10,6%. Triển vọng của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới được dự báo vẫn rất u ám trong năm tới khi chưa thể tạo được động lực phát triển cho năm 2013. Trong khi đó, nợ công Pháp đã chiếm tới hơn 91% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà hầu hết số này được sử dụng để chi trả cho các dịch vụ công cộng và đội ngũ công chức nên rất khó có thể giảm bớt, nếu không muốn làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và những phức tạp xã hội nảy sinh.
Trong tình cảnh hiện nay, không có gì khó hiểu khi uy tín của Tổng thống F.Hollande và chính phủ của ông đang suy giảm rõ rệt. Nhiều nhà kinh tế trước đây ủng hộ ông F.Hollande trong chiến dịch tranh cử thì nay, khi có những dự báo về nguy cơ suy thoái của kinh tế Pháp, họ đã quay lại chỉ trích tổng thống và chính sách kinh tế của chính phủ. Những người này cho rằng, việc trở lại chính sách tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt ngân sách là một sai lầm lớn. Tăng 1% GDP thuế sẽ đồng nghĩa với việc giảm 1% tăng trưởng kinh tế. Và hậu quả tồi tệ nhất là các doanh nghiệp sẽ dừng đầu tư sản xuất do chính sách thuế quá nặng.
Tình hình kinh tế ảm đạm khiến ông Hollande đứng trước sức ép lớn hơn bao giờ hết và phải nhanh chóng tìm cách thay đổi con đường mà nước Pháp đã đi trong 30 năm qua. Và nếu Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu - bị rơi trở lại vòng suy thoái, đây sẽ thực sự trở thành nguy cơ mới đối với nền kinh tế Châu Âu, đe dọa trực tiếp tới tồn tại của đồng euro. Niềm tin của các nhà đầu tư có thể sẽ sụp đổ nhanh chóng kéo theo sự đảo ngược xu hướng tại thị trường trong khu vực và trên thế giới. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà gần đây một số nhà phân tích kinh tế đã ví nước Pháp như "quả bom hẹn giờ" của Cựu lục địa.