Trò lưu manh buôn bán qua mạng

Xe++ - Ngày đăng : 11:15, 21/11/2012

Môi trường kinh doanh trong thương mại điện tử của Việt Nam đang thực sự bị vấy bẩn khi người bán đang lợi dụng các trang ecom để


Hàng hiệu “giá rẻ”

Một trong những mặt hàng được giao bán nhiều nhất trên ecom (trang thương mại điện tử) là iPhone của Apple.

Dạo một vòng quanh những trang như Rồng Bay (rongbay.com), Vật Giá (vatgia.com)… nhan nhản những mẩu tin về việc mua bán iPhone. Trong khi, giá của một chiếc iPhone 4/4S trên thị trường khoảng từ 8 – 13 triệu đồng/chiếc thì có nhiều mẫu tin rao vặt lại ra giá chỉ 4 – 5 triệu đồng/chiếc, đánh vào lòng tham của người tiêu dùng.

Trên thực tế, iPhone 4 “nguyên seal” vẫn đầy rẫy, nhưng ai theo dõi thông tin về công nghệ cũng biết Apple đã không sản xuất iPhone 4 từ rất lâu.

Hiện trên thị trường có các phiên bản iPhone 4 16GB, 32GB và iPhone 4 mới nhất là bản 8GB… tuy nhiên, hầu hết đều đã không còn bảo hành hãng, trong khi iPhone tồn kho là chuyện khá hiếm hoi đối với hãng này.

Hà Vy (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, vì được một người quen giới thiệu nên chị đã mua một chiếc iPhone 4 “tự tay bóc hộp” tại một cửa hàng trên phố Hàng Bài, đây là cửa hàng khá tên tuổi và gắn liền với dòng sản phẩm PDA trước đây của Việt Nam.


Mặc dù, sau khi mang về máy dùng rất tốt, nhưng bạn chị kiểm tra lại bằng cách check Serial Number trên trang chủ của Apple thì thấy máy đã hết bảo hành – điều này có nghĩa là chiếc iPhone đã được sử dụng ít nhất 12 tháng, được làm mới, đóng hộp và bán với giá của một chiếc iPhone chưa bao giờ sử dụng. Cũng may mắn, sau khi “tranh cãi” thì chủ cửa hàng này đồng ý đổi cho chị một chiếc máy khác.

“Hiện tại, trên thị trường thì gần như chắc chắn không còn chiếc iPhone 4 nào là chưa Active… máy nguyên seal toàn là hàng đóng lại, người ta bán cho khách hàng thôi”, Phong – chủ một cửa hàng Apple dấu tên cho biết.

Phong cũng bán iPhone 4/4S/5… và cậu nói rằng: “Cửa hàng mình cũng bán iPhone Refurbished, nhưng có giải thích với khách hàng trước khi mua rằng máy tốt, bọn mình đóng hộp cho mới chứ không bán hàng đểu”, nhưng “thực ra thì khách hàng mua iPhone, nhiều người không biết đến điều này.

Nếu mua những sản phẩm đắt tiền, hầu hết mọi người chọn cách xem hàng thực tiếp, nhưng một số người dám “cả gan” đặt từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để đặt mua hàng qua mạng từ các cá nhân với nhau và bị lừa.

“Thấy người ta rao iPhone 4 trên mạng với giá có 3 triệu, mình gọi điện và được biết người bán ở tận SG, thế là đồng ý giao dịch qua chuyển phát nhanh… mình cũng nhận được iPhone nhưng là iPhone đểu”, Ngọc Mai (Đan Phượng – Hà Nội) cho biết.

“Người bán nói là đã rao kĩ đấy là iPhone 4G (chứ không phải iPhone 4), gọi điện thì anh ta thản nhiên giải thích, lúc thì không nghe máy… mình cũng chịu”, Mai nói thêm.

Thậm chí, có trường hợp lừa đảo cao tay hơn là đồng ý nhận lại máy với một chi phí “phạt” khoảng 500.000 đồng và chuyển khoản trước, đến khi chuyển khoản xong người đã trót mua cái máy đểu lại mất tiền thêm lần nữa.

Ngoài iPhone, những mặt hàng khác phổ thông như quần áo, máy tính bảng, kính… cũng được đem ra lừa đảo với hình thức tương tự.

Gian hàng lừa đảo

Không chỉ có những đối tượng lừa đảo lang thang trên mạng internet để “ăn xổi”, nhiều gian hàng kinh doanh trên các trang ecom cũng sẵn sàng lửa đảo trắng trợn, hoặc dùng “chiêu” để móc túi người tiêu dùng nhẹ dạ.

Chị Lê Tân (Tam Trinh – Hà Nội) cho hay, được cơ quan giao nhiệm vụ mua chiếc máy tính để sử dụng, chị cũng vào các trang điện tử để tìm kiếm và order (đặt lệnh) để mua một chiếc máy tính HP và giao tận nơi. Thế nhưng, khi kiểm tra thì chiếc máy này có dấu hiệu đã làm lại nước sơn, cũ không được như miêu tả, mặc dù đã ghi rõ giá là 11.200.000 (có VAT), thế nhưng khi người mua đề nghị cung cấp hoá đơn đỏ thì đại diện cửa hàng này lại yêu cầu cộng thêm 10% vào giá.

Hiện, nhiều trang ecom như Chodientu, Rongbay, Vatgia… cũng có sự nỗ lực trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo trên site của mình, như việc đề nghị các gian hàng bán điện thoại Trung Quốc (là mặt hàng dễ gây nhầm lẫn) nhất vào một nhóm – hoặc có mô tả chữ Trung Quốc trong ngoặc đơn – (Trung Quốc).

Tuy nhiên, việc lợi dụng hình ảnh và cả tên gọi của các sản phẩm chính hãng như Apple, Samsung, HTC… đang phổ biến gây ảnh hưởng tới uy tín của các hãng này.

Thậm chí, trên trang Vatgia.com còn có danh mục "Mua bán điện thoại Trung Quốc, điện thoại nhái, điện thoại fake, mobile fake" - trong khi đó, việc mua bán các loại hàng giả là hành vi bị cấm.

Ngoài ra, nhiều nhãn hàng cũng biết cách "dùng chiêu" khi liên kết với các với trang mua sắm cộng đồng, như trường hợp của chiếc máy tính bảng Sigo G30 được rao trên rất nhiều trang mua bán.

Các trang này niêm yết giá gốc của chiếc Sigo G30 lên tới trên 4 triệu đồng và đưa ra mức giá ưu đãi từ 1.6 - 1.7 triệu đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì chiếc máy này được bán tràn rất nhiều tại Trung Quốc, các trang cho phép order (đặt mua) trực tiếp với giá khoảng 71 USD - tương đương với 1.4 triệu đồng.

Theo VTC News