Hàng "Made in Vietnam": Chưa chinh phục được nhà giàu
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:36, 21/11/2012
Hàng Việt Nam cần hướng tới nhu cầu tiêu dùng của nhiều đối tượng trong xã hội. Ảnh: Đàm Duy |
Theo Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), ở nước ta sự phân tầng trong chi tiêu hiện nay đã khá rõ. Trong số hơn 90 triệu dân, 20% dân số có thu nhập trung bình và thấp chỉ tiêu thụ khoảng 8% trong tổng doanh số bán lẻ, trong khi đó 20% người có thu nhập cao, rất cao có sức tiêu thụ khoảng 50%. Từ nhiều năm nay, đã xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng (NTD) khi mua hàng không cần quan tâm đến giá. Một bộ phận người giàu ở nước ta muốn được sở hữu các thương hiệu nổi tiếng, chất lượng hàng đầu và đòi hỏi được phục vụ tốt. Kinh tế khó khăn cũng không tác động được đến giới tiêu dùng có khả năng chi trả lớn này. Thị trường ô tô là một ví dụ, dù nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh nhưng thị trường xe hạng sang vẫn nhộn nhịp. Từ đầu năm đến nay, những chiếc xe giá 1,5 tỷ đồng trở lên vẫn được nhập về và bán rất chạy. Toyota Việt Nam dự kiến bán mẫu FT-86 40 chiếc/năm với giá 1,65 tỷ đồng, nhưng mới nhập về đã hết hàng và còn hơn 10 "thượng đế" đang phải xếp hàng chờ. Mẫu Mazda X5 với giá bán 1,6 tỷ đồng, nhập về đã bán hết veo… Tiếp đến là điện thoại di động, 10 tháng qua, hơn 3,97 tỷ USD để riêng nhập mặt hàng này. Đó là con số nhập khẩu chính ngạch, chưa nói đến hàng nhập qua đường tiểu ngạch, hàng xách tay.
Bộ Công thương đã phân chia hàng hóa nhập khẩu gồm 3 nhóm, trong đó hàng xa xỉ gồm rượu bia, ô tô, nguyên phụ liệu thuốc lá, mỹ phẩm, điện thoại di động đắt tiền thuộc nhóm hạn chế nhập khẩu. Trước tình trạng hàng xa xỉ nhập vào Việt Nam ngày càng tăng, Chính phủ buộc phải đưa ra quy định dừng mua sắm ô tô công có nguồn gốc nhập khẩu, rồi từ ngày 1-9, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quy định cấm nhập khẩu điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, máy in, máy ảnh, camera truyền hình, camera kỹ thuật số… đã qua sử dụng. Nhưng, những giải pháp tình thế này cũng không giải quyết triệt để vấn đề, vì không nhập đồ cũ thì họ lại nhập hàng mới?. Vậy, câu hỏi đặt ra với các DN là cần làm gì để NTD, nhất là NTD có thu nhập cao ưa chuộng sử dụng hàng Việt?
Thực tế cho thấy, mặc dù niềm tin của NTD vào hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên đến con số 77% (so với 23% của 3 năm trước), nhưng tư tưởng "sính" hàng "ngoại" vẫn tồn tại. Lý giải cho tình trạng này, trên thực tế cho thấy DN "nội" đã đối xử chưa công bằng với NTD trong nước. Sản phẩm tốt, chất lượng cao dành xuất khẩu, còn hàng kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì bán trong nước. Sản phẩm trong nước đã nghèo về mẫu mã, lại không "giàu" về chất lượng nên không có nhiều lựa chọn cho NTD. Chưa kể, việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, thực phẩm không an toàn được bày bán vô tư khiến uy tín của hàng Made in Vietnam giảm sút. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt mất khách là thái độ ứng xử của người bán hàng đối với NTD.
Hiện nay, một số DN như May 10, Việt Tiến, Trung Nguyên, Vinamilk đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ uy tín, phát triển mạng lưới phân phối của riêng mình trên cả nước. Tuy nhiên, số DN làm được như vậy còn quá ít so với thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng của nước ta. Vì vậy, đã đến lúc cơ cấu sản xuất, kinh doanh hàng Việt cần phù hợp với cơ cấu chi tiêu và xu hướng tiêu dùng của các tầng lớp dân cư. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cần bắt nhịp nhanh với phong cách tiêu dùng đã, đang thay đổi của người dân. Hàng Made in Vietnam cũng cần vươn tới ngưỡng phục vụ được nhu cầu của người có thu nhập cao, rất cao và cần có cả hàng giá phù hợp phục vụ người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở thành thị và nông thôn.