Thực hiện giao dịch liên kết: Vì sao DN vẫn lúng túng?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 21/11/2012
Tuy nhiên, vẫn còn một số DN do thiếu quan tâm đến quy định trên nên lúng túng trong thực hiện, thậm chí gặp khó khăn khi xác định nghĩa vụ thuế. Để giúp DN hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội.
- Ông có thể cho biết những DN thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 66/2010/TT-BTC? Và dựa trên những căn cứ nào để xác định các DN có quan hệ liên kết?
- Tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng hóa, dịch vụ (DN) thực hiện giao dịch kinh doanh với "các bên có quan hệ liên kết" (giao dịch liên kết) có nghĩa vụ kê khai, xác định nghĩa vụ thuế thu nhập DN tại Việt Nam. Giao dịch liên kết gồm các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa "các bên có quan hệ liên kết", trừ các giao dịch kinh doanh giữa DN tại Việt Nam với "các bên có quan hệ liên kết" liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Thông thường, 2 DN trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc một trong ba nhóm sau thì xác định là các bên liên kết. Thứ nhất, quan hệ về sở hữu, gồm 4 trường hợp: Một DN nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia; cả 2 DN đều có ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp; cả 2 DN đều nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của một bên thứ ba; DN là cổ đông lớn nhất về vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia, nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 10% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN kia. Thứ hai, quan hệ về quản lý điều hành, gồm 4 trường hợp: một DN chỉ định thành viên ban lãnh đạo, hoặc kiểm soát của một DN khác với điều kiện số lượng các thành viên được DN thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo, hoặc kiểm soát của DN thứ hai hoặc một thành viên được DN thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính, hoặc hoạt động kinh doanh của DN thứ hai; 2 DN cùng có hơn 50% thành viên ban lãnh đạo, hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính, hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba; 2 DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ: vợ - chồng; bố, mẹ và con, anh chị em có cùng cha, mẹ, ông, bà nội và cháu nội… và 2 DN có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú, hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thứ ba, quan hệ về hợp tác kinh doanh, gồm 5 trường hợp: một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm hơn 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay; một DN SXKD sản phẩm sử dụng tài sản vô hình, hoặc quyền sở hữu trí tuệ của một DN khác với điều kiện chi phí phải trả cho việc sử dụng tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ đó chiếm trên 50% giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm; DN cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào (không gồm chi phí khấu hao đối với tài sản cố định) để sử dụng cho hoạt động SXKD sản phẩm đầu ra của một DN khác; một DN kiểm soát trực tiếp, hoặc gián tiếp hơn 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của một DN khác và 2 DN có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.
- Các DN cần áp dụng phương pháp nào để xác định giá thị trường?
- Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định 5 phương pháp cơ bản để xác định giá thị trường, gồm các phương pháp: so sánh giá giao dịch độc lập; giá bán lại; giá vốn cộng lãi; so sánh lợi nhuận; tách lợi nhuận. Mỗi DN sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Trường hợp do tính đặc thù hoặc duy nhất của giao dịch liên kết, DN không thể lựa chọn được giao dịch độc lập để so sánh, DN phải giải trình lý do và thực hiện một trong các biện pháp: tổng hợp; vận dụng số liệu giữa các kỳ.
- DN có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết có nghĩa vụ gì với ngân sách Nhà nước?
- Khi quyết toán thuế thu nhập DN, các DN có trách nhiệm kê khai các giao dịch liên kết theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn nộp phụ lục cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập DN. DN có nghĩa vụ và trách nhiệm lưu giữ các thông tin, tài liệu và chứng từ làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong các giao dịch liên kết và xuất trình theo yêu cầu kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế.
Khi DN vi phạm các quy định về kê khai thông tin giao dịch liên kết, cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập DN phải nộp đối với DN có giao dịch liên kết. Ngoài ra, DN có thể bị xử phạt về các hành vi vi phạm thủ tục về thuế, hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
- Xin cảm ơn ông!