Mức trợ cấp do chấm dứt hợp đồng trước hạn

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 21/11/2012

Tôi làm việc tại công ty từ năm 2010, có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2012, tôi và công ty ký hợp đồng lao động mới có thời hạn 36 tháng. Nay, do thua lỗ, công ty giải thể bộ phận của tôi làm việc và đề nghị tôi chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn. Công ty trả cho tôi các khoản, gồm: 1 tháng lương do không báo trước 30 ngày, hỗ trợ 2 tháng lương do mất việc làm. Vậy, mức trợ cấp mất việc trên có đúng pháp luật không? Trần Văn Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội)

Tôi làm việc tại công ty từ năm 2010, có tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2012, tôi và công ty ký hợp đồng lao động mới có thời hạn 36 tháng. Nay, do thua lỗ, công ty giải thể bộ phận của tôi làm việc và đề nghị tôi chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn. Công ty trả cho tôi các khoản, gồm: 1 tháng lương do không báo trước 30 ngày, hỗ trợ 2 tháng lương do mất việc làm. Vậy, mức trợ cấp mất việc trên có đúng pháp luật không?
Trần Văn Hiếu (Thanh Xuân, Hà Nội)


Tiến sĩ, Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe, ĐT: 0913.55.99.44; website: www.youmevietnam.com) trả lời:

- Việc chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với ông có thể chia thành hai trường hợp: một là người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) cùng thỏa thuận chấm dứt (HĐLĐ) trước thời hạn hoặc hai là chấm dứt hợp đồng do thay đổi cơ cấu. Đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ trước hạn do thỏa thuận, mức bồi thường và mọi vấn đề có thể do hai bên cùng thỏa thuận và thống nhất. Đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ trước hạn do thay đổi cơ cấu, NSDLĐ sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về vấn đề này và phải bảo đảm các quyền của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ, cụ thể như sau:

Theo Điều 11, Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm, thì chỉ những trường hợp sau đây mới được coi là thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ: a) Thay đổi một phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất lao động cao hơn; b) thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến sử dụng lao động ít hơn; c) thay đổi cơ cấu tổ chức: sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị.

Nếu những thay đổi này dẫn đến người lao động bị mất việc làm, thì NSDLĐ có trách nhiệm đào tạo lại nghề cho NLĐ để sử dụng vào công việc mới. Nếu không giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc, thì NSDLĐ phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương cho NLĐ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6, Điều 139, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, thì thời gian NLĐ đóng BHTN theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động.

Do đó, nếu chấm dứt HĐLĐ theo trường hợp này ông sẽ không được hưởng trợ cấp mất việc làm, nhưng sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định pháp luật về BHTN. Ngoài ra, ông còn có thể được hưởng các quyền lợi khác, nếu thỏa thuận được với NSDLĐ.