Cái sảy đã nảy mầm ung!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 21/11/2012

(HNM) - Mấy hôm nay báo chí trong nước đồng loạt cảnh báo nguy cơ Việt Nam "mất sóng" truyền hình trực tiếp Giải Bóng đá ngoại hạng Anh kể từ mùa bóng 2013-2014. Có nơi còn nhắc đến cụm từ "chắc chắn mất sóng", như muốn khẳng định nguy cơ mà hàng triệu người không mong muốn.


Sự ngẩn ngơ tăng cao vào hôm chủ nhật 18-11 bởi tin dữ ấy phát ra sau một tối thứ bảy đáng quên, khi mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam đột ngột "bị bỏ đói" bởi trận đấu đáng xem nhất tuần giữa Arsenal - Tottenham đã "đột ngột biến mất" trên sóng Bóng đá TV, SCTV, Hà Nội 2 mà đa số thuê bao không được thông báo lý do chính đáng.

Tất cả bắt nguồn từ thông tin phiên đấu giá bản quyền truyền hình Giải Bóng đá ngoại hạng Anh phát trên lãnh thổ Việt Nam trong ba mùa bóng tới đã chính thức thuộc về một tập đoàn của Mỹ, với cái giá khủng khiếp - hơn ba chục triệu USD! Nói khủng khiếp là bởi số liệu được công bố trên các phương tiện truyền thông cho thấy mức chi phí để đưa sóng Giải Bóng đá ngoại hạng Anh về Việt Nam trong cả giai đoạn 2004-2007 chỉ ở mức hơn một triệu USD, rồi nhúc nhắc tăng không đáng kể cho tới khi đột ngột vọt lên hơn chục triệu USD cho ba mùa bóng 2010-2013. "Cú đại nhảy vọt" ấy, giờ thì ai cũng biết, diễn ra gần như đồng thời với sự độc quyền gói bản quyền phát sóng các trận diễn ra vào ngày chủ nhật của một đơn vị truyền thông với thương hiệu kênh truyền hình K+.

Giờ thì cái sảy đã nảy mầm ung! Tiền lệ xấu gieo mầm mối họa! Người ta tính toán rằng sau khi mua được gói bản quyền nói trên với giá cao ngất ngưởng, tập đoàn của Mỹ sẽ tìm cách bán lại cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam, tất nhiên là với mức giá cao hơn số tiền họ đã bỏ ra ban đầu. Khả năng xấu có thể xảy ra khi các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước cùng nhảy vào cuộc, đẩy giá mua lên một cách không đáng có và kết quả là phí thuê bao dịch vụ truyền hình sẽ tăng cao hơn. Khả năng xấu hơn nữa là các nhà đài trong nước từ chối mua lại bản quyền vì không gánh nổi khoản chi khổng lồ, khi ấy đa số người hâm mộ bóng đá Anh ở Việt Nam sẽ "đói" bóng đá Anh… không biết đến bao giờ.

Cái cách tranh nhau mua bản quyền cách nay gần ba năm đã tạo tiền lệ xấu, một thứ nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tăng giá bản quyền chóng mặt, nhất là khi những động thái định hướng của cơ quan quản lý trong trường hợp này chưa cho thấy tác động tích cực cụ thể.

Giờ thì có thể làm gì?

Những tháng qua, một số đại diện của phía cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã bóng gió khả năng không tham gia "cuộc đua phá giá", như VTC, AVG... Động thái ấy cần được ủng hộ, không chỉ vì quyền lợi của phía cung cấp dịch vụ mà vì cả quyền lợi của các thuê bao về lâu dài. Điều gì sẽ xảy ra với các đơn vị trung gian nước ngoài đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ nếu các đài trong nước đồng lòng "không mua bằng bất kỳ giá nào"? Trong trường hợp ấy, liệu có còn chuyện tăng giá vô tội vạ vào những năm tiếp sau nữa hay không?

Phản ứng từ phía khán giả, trong trường hợp này không chỉ là nói ra sự không hài lòng, điều còn băn khoăn về cách cung cấp dịch vụ, mà còn có thể bằng hành động đối xử một cách công bằng với các nhà đài: dịch vụ tốt, giá cả hợp lý thì chọn dùng; dịch vụ không tốt, có ý đồ trục lợi bằng mọi giá, coi thường khách hàng… thì kiên quyết chọn dịch vụ khác, ngay cả khi phải chấp nhận tạm chia tay với bóng đá Anh.

Bởi thế giới này đâu chỉ có mỗi bóng đá Anh là hay, là đẹp!

Dục Tú