Không dự trữ quốc gia bằng tiền
Chính trị - Ngày đăng : 11:41, 20/11/2012
Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) được thông qua gồm có 6 chương, 66 điều.
Luật quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia. Mục tiêu của dự trữ quốc gia là nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
Về nguồn hình thành DTQG, Luật quy định lấy từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước; Nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước được đưa vào dự trữ quốc gia bao gồm các nguồn lực có được từ tự nguyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp công nghệ thông tin cho hoạt động quản lý, bảo quản, trực tiếp bảo quản hàng dự trữ quốc gia, cung cấp hàng hóa, vật tư được huy động từ các thành phần kinh tế khác trong tình huống đột xuất, cấp bách theo quy định của pháp luật.
Tổ chức DTQG được điều hành bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phân công các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý thống nhất về DTQG. Tuy nhiên, hoạt động DTQG mang nhiều đặc thù, liên quan trực tiếp đến một số bộ, ngành như quốc phòng, công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn... nên các bộ, ngành này cũng đang tham gia hoạt động DTQG.
Về chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức DTQG, do thực tế, người làm công tác DTQG có điều kiện làm việc đặc thù, có khó khăn riêng (phải làm việc trong nhiều tình huống khẩn cấp, nguy hiểm). Vì vậy, một mặt, để có chính sách động viên, khuyến khích người lao động gắn bó với công tác DTQG, nhưng mặt khác, cũng bảo đảm tính công bằng giữa người làm trực tiếp công tác DTQG với người chỉ làm công tác hành chính tại các bộ, ngành, Luật quy định chỉ áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên đối với công chức, viên chức làm việc tại cơ quan quản lý DTQG chuyên trách; người làm công tác DTQG là quân nhân, công an. Không áp dụng đối với công chức, viên chức làm công tác DTQG tại các bộ, ngành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, UBTVQH và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật quy định Quốc hội quyết định chính sách phát triển dự trữ quốc gia, định hướng nguồn lực dự trữ quốc gia, phê duyệt kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia và quyết định mức phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm (nếu có), quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia có nhiệm vụ trình Quốc hội quyết định chính sách phát triển dự trữ quốc gia, định hướng nguồn lực dự trữ quốc gia, kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia và mức phân bổ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho dự trữ quốc gia hàng năm (nếu có) và ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp, điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia, phân công các bộ, ngành thực hiện quản lý hàng dự trữ quốc gia theo thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt chiến lược dự trữ quốc gia, quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia; giao kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt; quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Luật cũng quy định, phương thức DTQG là bằng vật tư, thiết bị, hàng hóa.
Danh mục hàng DTQG gồm các nhóm hàng sau: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Muối trắng; Nhiên liệu; Vật liệu nổ công nghiệp; Hạt giống cây trồng; Thuốc bảo vệ thực vật; Hóa chất khử khuẩn, khử trùng làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt và trong nuôi trồng thủy sản;Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; Thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cây trồng, nuôi trồng thủy sản; Vật tư, thiết bị, hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh.
Việc mua hàng DTQG được tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu bằng các hình thức: Đấu thầu rộng rãi; Mua sắm trực tiếp; Chào hàng cạnh tranh; Chỉ định thầu. Tuy nhiên, chỉ định thầu chỉ được áp dụng đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phải bảo đảm yêu cầu bí mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo mật; Trường hợp không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh do tính chất đột xuất, cấp bách, yêu cầu thời vụ, thời điểm đối với gói thầu mua hàng dự trữ quốc gia là thuốc phòng, chống dịch bệnh, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng.
Luật DTQG sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.