Gỡ “nút thắt” giá đất và cơ chế bồi thường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 20/11/2012
Trong quá trình đô thị hóa, việc bồi thường giá đất và tạo việc làm cho người dân sau khi thu hồi đất cần có chế độ, chính sách thỏa đáng. Ảnh: Huy Hùng |
Giá đất mơ hồ, tham nhũng nảy sinh
Theo phản ánh của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Luật Đất đai (LĐĐ) hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nổi bật là vấn đề xác định giá đất để bồi thường cho người dân khi Nhà nước có quyết định thu hồi. ĐB Lê Trọng Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, một trong những "nút thắt" trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai là giá đất bồi thường và sinh kế cho người dân sau khi tiến hành thu hồi đất. Thời gian qua, việc thu hồi đất chưa thành công, nhiều dự án kéo dài làm tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí nghiêm trọng và là nguồn gốc của quốc nạn tham nhũng có nguyên nhân sâu xa chính từ sự mơ hồ trong phạm trù định giá đất "sát giá thị trường". Theo quy định hiện hành, giá đất do Nhà nước quy định phải sát với giá thị trường, nhưng trên thực tế, bảng giá đất công bố tại các địa phương chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Mức cao nhất trong bảng giá đất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 81 triệu đồng/m2, cũng là mức tối đa trong khung giá đất của Chính phủ, nhưng giá chuyển nhượng trên thị trường là vài trăm triệu đồng/m2. Sự chênh lệch ấy đã khiến ngân sách nhà nước thất thu, người bị thu hồi đất cảm thấy thiệt thòi.
ĐB Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) cũng nêu ý kiến, dù áp dụng cùng một mức giá, nhưng người bị thu hồi đất thường muốn giá đất bồi thường cao, còn người nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì muốn giá đất thấp. Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương và giữ vai trò là người xây dựng cơ chế, chính sách, điều tiết hướng dẫn kiểm tra. Nhà nước không cần phải thực hiện thẩm định giá trên thị trường mà nên xã hội hóa để các công ty thẩm định giá độc lập thực hiện. Như vậy, sẽ phù hợp với luật lệ quốc tế và tránh việc Nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Cơ chế thu hồi đất cần tránh những hệ lụy
Bên cạnh những bất cập liên quan đến giá đất, cơ chế thu hồi đất trong LĐĐ cũng là một trong những vấn đề nóng được nhiều ĐBQH quan tâm. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều khu vực đặc biệt là tại nông thôn, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân sau thu hồi đất là một trong những bài toán mà nhiều địa phương chưa thể tìm ra lời giải. ĐB Huỳnh Thành nêu ý kiến, khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng đất nông nghiệp, cách làm của chúng ta là chỉ biết tính về giá trị thu hồi đất và giải quyết việc làm mang tính hình thức, đặc biệt là đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. ĐB kiến nghị bổ sung giải pháp bồi thường cho người dân bằng cách hoán đổi về đất sản xuất, đất ở, đất sản xuất kinh doanh cho phù hợp với từng địa phương hoặc có thể áp dụng hình thức cho chuyển đổi bằng cổ phiếu ở các đơn vị dự án đầu tư để tránh hệ lụy khi người dân không còn đất sản xuất. "Vừa qua việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước xem như là một hình thức kỷ luật đối với người sử dụng đất. Thực chất người sử dụng đất không vi phạm mà vẫn bị thu hồi". Để bảo đảm quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất, nên áp dụng thu hồi bằng cơ chế trưng mua và trưng dụng. Đối với dự án kinh tế quy mô nhỏ và vừa, nên áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất… Nếu làm được như vậy sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng khi nhà đầu tư và người sử dụng đất đạt được thỏa thuận.
Xây dựng chính sách đất đai nhằm bảo vệ quyền lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Danh Út (đoàn Kiên Giang) nêu ý kiến, đất đai đóng vai trò quan trọng với đồng bào dân tộc thiểu số bởi bà con sinh sống bằng nghề nông, tư liệu sản xuất chính là đất đai. Tuy nhiên, ĐB kiến nghị bổ sung quy định: Nghiêm cấm đầu cơ, mua bán, bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số đối với những loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…
Ngoài ra, các ĐBQH cũng có nhiều ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai, hạn điền giao đất… Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án LĐĐ sửa đổi, song đa số ĐBQH cũng cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc bộ luật sửa đổi sẽ giải quyết được mọi vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai hiện tại. Thời gian tới, các ngành chức năng cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện LĐĐ theo thể chế kinh tế thị trường, qua đó tạo dựng niềm tin trong nhân dân, đáp ứng sự mong mỏi của toàn xã hội.
ĐB Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội): Đầu cơ đất phải đánh thuế cao Tình trạng đầu cơ đất, đẩy giá lên cao và trốn thuế chuyển nhượng bất động sản là một trong những bất cập hiện nay. Ở Thái Lan, người sử dụng đất nếu trước 5 năm mà chuyển nhượng không có lý do chính đáng sẽ phải nộp thuế chuyển nhượng cao gấp 1,5 lần mức hiện hành. Vì vậy, nên bổ sung quy định nếu nhà đầu tư bán nhà, đất 2-3 năm sau khi đầu tư sẽ phải nộp thuế cao hơn để hạn chế những bất cập hiện nay. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình): Lợi ích nhóm khiến quy hoạch thiếu công bằng Gần đây, chúng ta nói nhiều đến lợi ích nhóm và tôi cho rằng, nơi xây dựng các loại quy hoạch sử dụng đất dễ phát sinh lợi ích nhóm nhất. Dự luật mới bỏ quy định mỗi năm HĐND ra quyết định về bảng giá đất, đồng thời quy định UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích, song tôi không tán thành điểm này. Ai sẽ là người bảo vệ lợi ích của người dân nếu không phải là HĐND trước UBND. Tôi đề nghị giữ lại thẩm quyền này ít nhất là với HĐND cấp tỉnh. ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam): Với nười dân, đất đai là tài sản Người dân sinh ra, chết đi đều liên quan đến đất đai nên với họ, đất đai rất quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao phải bảo đảm quyền của người dân về đất đai. Vì vậy với quyền sử dụng đất, người dân coi đất đai như một tài sản, có thể mua, bán, trao đổi. |