Huy động các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo
Đời sống - Ngày đăng : 06:29, 20/11/2012
- Xin ông cho biết về sự trưởng thành của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trong những năm qua?
- Với truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, hoạt động nhân đạo của Hội đã có những bước chuyển biến tích cực, đang từng bước vươn lên giữ vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động. Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sự lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban ngành, MTTQ và các đoàn thể, các cơ quan đơn vị; sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước.
Đến nay, hệ thống tổ chức Hội đã được kiện toàn rộng khắp ở 29 quận, huyện, thị; 577 Hội cấp xã, phường, thị trấn; 126 Hội và 1.788 chi hội trường học; 75 Hội cơ quan xí nghiệp; 4 Trung tâm Dạy nghề; 1 Trường Dạy trẻ điếc; Phòng khám Chữ thập đỏ Hà Nội - Sunny Korea và 6 Chi hội tán trợ. Tổng số hội viên, tình nguyện viên lên tới 724.046 người (tăng 33.042 người so với năm 2011) chiếm 10,2% dân số Thủ đô. Các cấp Hội đã thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác cứu trợ và trợ giúp nhân đạo, chăm lo bảo vệ sức khỏe, đời sống cho hàng trăm nghìn lượt người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam và người dễ bị tổn thương. Trung bình mỗi năm tổng trị giá các hoạt động đạt trên 83 tỷ đồng, riêng 10 tháng đầu năm 2012 đạt trên 89,2 tỷ đồng.
- Xin ông cho biết kết quả đạt được trong cuộc vận động "Mỗi tổ chức gắn với một địa chỉ nhân đạo" của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội?
- Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, đến nay đã có 89.816 người được lập hồ sơ cần trợ giúp; 39.726 người, 2.700 cơ sở đã được giúp đỡ, trị giá trên 79,4 tỷ đồng. Để đạt được kết quả đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động báo cáo cấp ủy Đảng, chính quyền về mục đích, nội dung, ý nghĩa cuộc vận động; lập danh sách các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại cộng đồng có lòng hảo tâm giúp đỡ.
- Bên cạnh việc làm tốt vai trò của một tổ chức nhân đạo tại địa phương, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội còn có các hoạt động tương trợ các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế. Xin ông cho biết thêm về hoạt động này?
- Những năm qua, Hội rất tích cực tham gia các cuộc vận động ủng hộ trên 22,5 tỷ đồng cho nhân dân Nhật Bản (năm 2011) khắc phục hậu quả của động đất, sóng thần; trên 2,5 tỷ đồng cho các nước Đông Nam Á bị động đất, sóng thần; 1,4 tỷ đồng giúp đỡ nhân dân Myanmar bị ảnh hưởng cơn bão Nargis và nhân dân tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc bị động đất; 927 triệu đồng ủng hộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng; 1,2 tỷ đồng giúp đồng bào các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc bị bão, lũ quét, sạt lở núi; 711 triệu đồng và trên 200 tấn quần áo tới đồng bào miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng cơn bão số 9... Ngoài ra, bằng nhiều hình thức tặng quà, xây, sửa chữa nhà… giúp nhiều tỉnh, thành như Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn...
- Trong chiến lược phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020 đã nhấn mạnh chủ đề "Đổi mới tư duy, tạo dựng vị thế, bảo vệ sự sống", để thể hiện tinh thần đó, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội có gì mới?
- Với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo. Vì vậy, ngoài các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp thường xuyên, các cấp Hội đã chú trọng đến các hoạt động mang tính phát triển bền vững như: giúp vốn, trợ vốn, cho vay con giống vật nuôi, cây trồng, xây mới, sửa nhà Chữ thập đỏ, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng xe lăn cho người khuyết tật.
Định hướng ưu tiên của Hội trong những năm tới là các cấp Hội tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43-CT/TƯ ngày 8-6-2010 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam"; Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020 với chủ đề "Đổi mới tư duy - Tạo dựng vị thế - Bảo vệ sự sống". Tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn, các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa, ứng phó thảm họa… giúp các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!