Bệnh nhân gút nên hạn chế rượu và thực phẩm chứa purine
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:52, 19/11/2012
Dạo này tôi hay bị đau nhức các khớp ngón chân. Đi khám, bác sĩ nói tôi bị bệnh gút. Xin hỏi cơ chế sinh bệnh gút như thế nào và hạn chế dùng thực phẩm gì khi đã mắc bệnh?
Anh Trần Văn Thuận (Đông Anh)
Gút (Gout) là một trong những bệnh thấp khớp gây đau đớn, nhức buốt với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau và cứng khớp. Bệnh thường gặp ở nam giới độ tuổi từ 40-50. Nữ giới rất hiếm khi bị gút, nhất là trước tuổi mãn kinh.
Cơ chế sinh bệnh gút là chất uric axit tạo ra do phân hủy chất purine hay các thành phần đào thải của cơ thể. Bình thường uric axit tan trong máu và đào thải qua thận ra ngoài theo nước tiểu. Khi quá trình sản xuất ra uric axit ở cơ thể tăng, hoặc thận không đào thải được hết thì nồng độ uric axit sẽ tăng lên trong máu dưới dạng muối urat. Sự ứ đọng quá nhiều uric axit trong khoang khớp xương gây viêm, cũng có thể trở thành đám cứng ở dưới da quanh khớp và cả ở vành tai. Những yếu tố nguy cơ sinh bệnh như di truyền, nặng cân do ăn quá nhiều làm tăng lượng uric axit, nghiện rượu làm cản trở việc đào thải uric axit, ăn nhiều thực phẩm có chất purine, dùng các loại thuốc có thành phần salicylat hay acid salicylic...
Có khoảng hơn 70% bệnh nhân gút thấy xuất hiện viêm đầu tiên ở khớp ngón chân cái, sau đó mới là khớp gối, cổ tay, cổ chân, khuỷu chân, tay... kèm đau nhức. Để chẩn đoán, ngoài việc xét nghiệm máu, người ta phải hút dịch khớp ra soi dưới kinh hiển vi, nếu có tinh thể mang tên monosodium urate thì bệnh mới được xác định chính xác.
Khi đã mắc bệnh, những bệnh nhân bị gút phải tránh dùng rượu, vì rượu làm cho cơ thể bị mất nước, tăng uric axit trong máu; tránh ăn thực phẩm có chứa purine.