Loay hoay bài toán “chất” và “lượng”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 19/11/2012
(HNM) - Theo những hợp đồng các doanh nghiệp đã ký đến hết năm 2012, việc Việt Nam cán đích xuất khẩu (XK) gạo ở con số 7,7 triệu tấn là điều chắc chắn. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ giữ ngôi số một thế giới về XK gạo.
Tuy nhiên, niềm vui ấy có lẽ chưa trọn vẹn khi gạo xuất khẩu của nước ta vẫn chủ yếu là gạo cấp thấp, nên thường bị ép giá, giá trị kinh tế thấp hơn so với các nước xếp sau.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực miền Bắc. Ảnh: Minh Nguyễn |
Những tín hiệu khả quan
Theo VFA, hơn 10 tháng qua, XK gạo Việt Nam đạt khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch 2,87 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 5,85% về giá trị do giá gạo năm nay thấp hơn năm ngoái. Thị trường chủ lực vẫn là các nước Châu Á với 67,5%, Châu Phi 24,7%, Châu Mỹ 4,7%... Tính riêng tháng 11, lượng gạo XK đạt trên 646.000 tấn, thu về 287,7 triệu USD. Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong khẳng định, mục tiêu XK gạo 7,7 triệu tấn gạo trong năm 2012 đã đạt được, đưa nước ta trở thành quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới.
Thực tế XK gạo Việt Nam có những chuyển biến tốt do mở rộng được thị trường tiêu thụ. Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn từ nhiều năm qua và năm nay đạt trên 1,7 triệu tấn gạo. Những thị trường mới như Hoa Kỳ, Nam Phi, Bỉ, Angiêri, UAE… mức nhập khẩu tăng trưởng đều. Song song, các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines, Malaysia, tiếp tục duy trì mức nhập khẩu gạo ổn định, có thời điểm tăng nên các doanh nghiệp XK gạo trong nước đang gấp rút hoàn thành giao hàng cho các đối tác. Theo các doanh nghiệp XK, nguồn cung gạo trong nước đang dồi dào từ nay đến cuối năm do nông dân vừa thu hoạch vụ mùa nên không lo thiếu hàng XK và đủ gối cho những hợp đồng đầu năm 2013. Tuy nhiên, VFA cảnh báo, các doanh nghiệp cần linh hoạt, cân nhắc kỹ khi ký hợp đồng, cần phải tranh thủ chớp thời cơ ký tiếp các hợp đồng trong tháng 11, đẩy nhanh tiến độ giao hàng bởi Ấn Độ và Thái Lan đang chuẩn bị giảm tồn kho nên sẽ có một lượng lớn gạo được chào bán trên thị trường.
Không chạy theo số lượng
Thực trạng được tính toán, bàn thảo nhiều trong câu chuyện XK gạo Việt Nam vẫn là bài toán số lượng XK thì lớn song giá trị kinh tế lại không cao. Nguyên nhân được xác định vẫn là do chất lượng gạo thấp, không xây dựng được thương hiệu trên thương trường. Theo thống kê của VFA, có tới 70% lượng gạo XK của Việt Nam là gạo 25% tấm (gạo cấp thấp), gạo 5% tấm rất khó cạnh tranh với gạo Thái Lan. Bên cạnh đó, gạo cấp thấp chịu cạnh tranh gay gắt từ các nhà XK lớn là Ấn Độ và Myanmar. Không linh hoạt thay đổi chiến lược phát triển chính là hạn chế của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Nhiều vùng trồng lúa vẫn canh tác những giống kém chất lượng tuy sản lượng lớn nhưng giá trị thấp. Bên cạnh đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và quá trình sản xuất lúa, kinh doanh chế biến gạo rất hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức. Những tháng đầu năm 2012, nhiều doanh nghiệp XK gạo phải méo mặt khi nhu cầu thị trường tăng nhập khẩu gạo cao cấp trong khi nông dân đa phần sản xuất gạo cấp thấp. Vậy là một khối lượng lớn hợp đồng XK gạo thơm chất lượng bị tuột tay, đồng nghĩa với việc mất đi một khoản lợi nhuận lớn do gạo thơm có giá XK cao hơn nhiều so với gạo cấp thấp.
Thực tế, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và cơ cấu giống đã được Bộ NN&PTNT, các địa phương tuyên truyền rất nhiều. Tuy nhiên diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao không tăng so với nhu cầu thị trường. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định: "Nông dân bán gạo ở Việt Nam hiện nay vẫn là những người nghèo nhất do cách tổ chức thị trường trong nước và do sự ép giá của các thương lái. Hiện sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã đạt đỉnh, để có thể duy trì vị thế XK gạo trên thị trường thế giới, cần khẩn cấp nâng cao chất lượng hạt gạo thay vì tập trung tăng khối lượng XK. Thực tế, với vị trí là nước XK gạo thứ nhất, thứ hai thế giới tiếng vang của gạo Việt Nam chắc chắn sẽ có tác động trên thị trường lúa gạo quốc tế. Điều cấp bách hiện nay của nông nghiệp và ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo là cần quy hoạch lại đồng ruộng, khẩn trương nghiên cứu bộ giống lúa chất lượng phù hợp từng vùng. Các cơ quan quản lý, khoa học nông nghiệp cần nhanh chóng chọn một số thương hiệu gạo chủ lực để tiến hành giới thiệu tham gia vào ngành XK gạo chất lượng cao.
Đầu tháng 10-2012, Thái Lan, Myanmar và Philippines đã ký bản ghi nhớ thành lập Hiệp hội Lúa gạo Đông Nam Á. Việt Nam tuy nằm trong khu vực, lại là nước XK gạo lớn của thế giới nhưng không tham gia vào liên kết này. Việc ít tham gia vào các khối liên minh, hiệp hội quốc tế sẽ là cản trở lớn cho việc XK các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam chứ chưa nói gì đến lúa gạo. Nếu không thay đổi phương thức sản xuất, tăng tính chuyên nghiệp trong dự báo thị trường, hướng đến những thị trường cao cấp, có thương hiệu thì tuy Việt Nam có là nước XK gạo lớn nhất thế giới nhưng nông dân trồng lúa tại nước ta vẫn nghèo và Nhà nước mất đi một khoản lợi nhuận từ ngành XK tiềm năng chủ lực này.