Ra Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:20, 19/11/2012
Ngay sau phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên họp hẹp để trao đổi về các trọng tâm và ưu tiên của Hiệp hội và trao đổi với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC).
Tại các phiên họp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã bàn về việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, gia tăng kết nối và liên kết khu vực, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ ký Tuyên bố Phnom Penh về việc thông qua Tuyên bố ASEAN về nhân quyền. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Kiểm điểm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, lãnh đạo các nước nhấn mạnh ASEAN cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra, nhất là về liên kết kinh tế, triển khai kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều. Để đạt được các mục tiêu này, các nước nhất trí sẽ tiếp tục gắn kết và lồng ghép các kế hoạch hợp tác khu vực vào các chương trình quốc gia, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan phụ trách… nhằm bảo đảm triển khai đồng bộ và hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo nhất trí ASEAN cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò chủ đạo trong thúc đẩy các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),... tạo điều kiện cho các đối tác tham gia tích cực và đóng góp xây dựng vào mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực. Nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức tuyên bố khởi động tiến trình đàm phán Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác liên quan...
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); thực hiện hiệu quả Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông, Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại phiên họp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng Thư ký ASEAN với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2017.
Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trước tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong các vấn đề hòa bình và an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin giữa các nước; xây dựng và chia sẻ chuẩn mực ứng xử; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước TAC, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, đặc biệt là cần đề cao các nguyên tắc như kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ASEAN đang phải xử lý những thách thức phức tạp cả truyền thống và phi truyền thống, từ những xung đột tiềm tàng tới các vấn đề xuyên biên giới như bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, ứng phó và phòng chống thảm họa thiên tai. Với tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, ASEAN cần tích cực xem xét, trao đổi, phối hợp với nhau, và nỗ lực xây dựng lập trường chung ASEAN trong một số vấn đề quan trọng của khu vực.
Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của LHQ, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, cũng như sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
* Bền lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, sáng 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long để trao đổi về những giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, ngày càng có nhiều dự án đầu tư hiệu quả của Singapore tại Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề trọng tâm của các hội nghị ASEAN lần này, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Biển Đông, hai nhà lãnh đạo khẳng định cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
* Tối cùng ngày, Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 đã kết thúc tốt đẹp. Trong các kết quả của hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN đã ra Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực, và thông qua Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Bali về "Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu", chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR)…