Bài học giản dị của điện ảnh Iran
Giải trí - Ngày đăng : 06:35, 18/11/2012
Đã từng là một hiện tượng của điện ảnh thế giới, đặc biệt là đã có dấu ấn tại sân chơi điện ảnh danh giá, nhưng bộ phim "A Seperation" thực sự thuyết phục người xem suốt hơn hai tiếng đồng hồ bằng sự giản dị đến kinh ngạc. Câu chuyện xoay quanh những nảy sinh, rạn nứt của hai gia đình thuộc hai tầng lớp ở Iran, với những điều quen thuộc trong đời thường: sự bất đồng của một cặp vợ chồng trung lưu trong tổ chức cuộc sống; thất nghiệp, sự căng thẳng mưu sinh của một cặp khác thuộc tầng lớp khó nhọc hơn. Họ được đưa đẩy đến với nhau trong mối quan hệ giữa người chủ và giúp việc. Hiểu lầm, mâu thuẫn nổ ra buộc họ phải đối diện với pháp lý… Mấu chốt tài tình nhất là các nhân vật dù là ai, trong tình huống gay cấn đến đâu thì trước điều mình tôn thờ, tin tưởng, yêu quý, họ đều biết cách trở về với chân giá trị, với sự thật. Như lời thề đạo giáo, như lời hứa của người cha trước cái nhìn đẫm nước mắt của cô con gái…
Rõ ràng là một câu chuyện nhỏ nhưng sức lay động lớn, tất cả được chạy trên nền bối cảnh văn hóa Iran. Một câu chuyện kể bằng điện ảnh chứ không phải chỉ bằng… thoại.
Một bộ phim như thế có cần quá nhiều tiền không? Bối cảnh phim không hề phức tạp: đường phố, những căn hộ… Như mới đây, một bộ phim khác là "Đêm yên tĩnh" đã đoạt giải phim quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ dù nửa thời lượng phim quanh quẩn trong một căn phòng nhỏ.
Từ những tác phẩm ấy, liệu có thể mãi nói lý do tụt hậu là vì thiếu tiền?