Cần thông tin chính xác về hoạt động của Tập đoàn Sông Đà
Kinh tế - Ngày đăng : 16:21, 17/11/2012
Ngày 8/11/2012, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Sông Đà đã có văn bản số 166 – CV/ĐUTĐ gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Ban Biên tập Báo Đại biểu nhân dân “V/v Báo cáo một số nội dung liên quan đến hai bài báo đăng trên Báo Đại biểu nhân dân”.
Công văn nêu rõ: Về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sông Đà, ngày 2/8/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã ban hành Thông báo số 653 – TB/UBKTTW, về kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Lê Văn Quế - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT; đồng chí Dương Khánh Toàn - Phó bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc và đồng chí Lê Văn Châu - Ủy viên BTV - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà.
Ngày 28/9/2010 UBKTTW có Thông báo số 693, về kết quả xem xét xử lý kỷ luật đối với đồng chí chí Lê Văn Quế - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT và đồng chí Dương Khánh Toàn - Phó Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sông Đà. Theo kết luận của hai Thông báo này thì việc làm của đồng chí Dương Khánh Toàn là không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật và UBKTTW đã nhất trí không xử lý kỷ luật.
Với kết luận của UBKTTW, tại Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2010 – 2015, đồng chí Dương Khánh Toàn đã được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ban Kiểm tra tư cách đại biểu do đồng chí Nguyễn Văn Chi, Chủ nhiệm UBKTTW làm Trưởng ban đã kết luận đồng chí Dương Khánh Toàn đủ tư cách là đại biểu chính thức dự Đại hội XI của Đảng.
Việc đồng chí Dương Khánh Toàn được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Tập đoàn Sông Đà) vào tháng 9/2011 và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Sông Đà lần thứ X, nhiệm kỳ 2010 – 2015 bầu vào Ban Chấp hành, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X bầu vào Ban Thường vụ và bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Sông Đà vào tháng 11/2011 là đúng quy trình, quy định của Điều lệ Đảng và công tác bổ nhiệm cán bộ của Thủ tướng Chính phủ.
Từ những căn cứ cụ thể, xác thực, Công văn khẳng định: “Bài báo vẫn là việc ở Tập đoàn Sông Đà, vẫn là việc của Thủ tướng Chính phủ đăng trên báo Đại biểu nhân dân ngày 30/10/2012 có nội dung không đúng, bóp méo sự thật, mang tính quy chụp và hoàn toàn không có căn cứ…”.
Về nội dung kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện gói thầu HH4.NT – Dự án Tòa nhà Sông Đà theo văn bản số 6554/VPCH – KNTN ngày 20/9/2011 của Văn phòng Chính phủ, Công văn nêu rõ: “Việc đàm phán trực tiếp và ký hợp đồng thực hiện gói thầu HH4.NT với nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả dự án, tránh lãng phí, thiệt hại về kinh tế cho đơn vị do đấu thầu kéo dài, không có việc vi phạm như thông tin, đơn thư gửi cơ quan chức năng nhà nước và cơ quan báo chí gần đây”.
Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành xác minh, kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xác minh. Sau khi xem xét báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 6554/VPCH – KNTN ngày 20/9/2011 của Văn phòng Chính phủ: “Tập đoàn Sông Đà kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân sai phạm liên quan trong quá trình thực hiện gói thầu HH4.NT, không để xảy ra vi phạm tương tự trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Tập đoàn Sông Đà đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng. Quá trình triển khai tổ chức gói thầu HH4.NT nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh và có kết luận việc thực hiện tuân thủ đúng các quy định tại Luật Đấu thầu.
Về kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công văn cho biết: Thực hiện Quyết định số 423/QĐ-TTCP ngày 10/03/2011 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ tiến hành Thanh tra trong thời kỳ 10 năm, từ năm 2000 đến năm 2010. Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam được thành lập ngày 12/1/2010 theo Quyết định số 52/QĐ-TTg trên cơ sở gồm 6 Tổng công ty: Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, DIC, Sông Hồng do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt. Vì vậy, các vấn đề Thanh tra Chính phủ kết luận tại Văn bản số 343/KL-TTCP ngày 23/02/2012 chủ yếu trong giai đoạn các Tổng công ty còn là các doanh nghiệp độc lập chưa tham gia Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam. Tổng số tiền 10.676 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý là của toàn bộ Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, bao gồm: Tổng công ty Sông Đà là 3.094 tỷ đồng; 5 Tổng công ty (Lilama, Licogi, Coma, DIC, Sông Hồng) là 7.582 tỷ đồng.
Thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về xử lý sau thành tra, đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam đã xử lý được các vấn đề tài chính với số tiền 4.521 tỷ đồng. Trong đó Tổng công ty Sông Đà là 2.757 tỷ đồng; 5 Tổng công ty (Lilama, Licogi, Coma, Sông Hồng, DIC) là 1.764 tỷ đồng.
Ngày 02/10/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1428/QĐ-TTg về việc kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, 6 Tổng công ty tham gia Tập đoàn trở lại là những doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ Xây dựng quản lý, do đó, các vấn đề thuộc 06 Tổng công ty (Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, Sông Hồng, DIC) sẽ được giao cho giao cho các Tổng công ty trực tiếp xử lý và báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Về các nội dung liên quan đến Tổng Công ty Sông Đà, như: Đầu tư vượt vốn điều lệ; góp vốn vào 2 quỹ đầu tư; dự án khu đô thị mới Nam An Khánh; dự án xi măng Hạ Long; việc hạch toán bổ sung quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ và sử dụng để đầu tư những dự án trọng điểm thuộc ngành kinh doanh chính (thủy điện Nậm Chiến, Secaman 3, Secaman 1); công ty CP xi măng Đồng Bành…, Công văn đều có giải trình cụ thể, và nêu rõ: Các nội dung Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý tại Tổng công ty Sông Đà chủ yếu do sự thay đổi chế độ, chính sách quản lý của Nhà nước và đến nay đã được Tổng Công ty Sông Đà điều chỉnh phù hợp quy định hiện hành, không phải là “mua sắm máy móc kém chất lượng gây lãng phí hàng chục tỷ đồng, quản lý vốn lỏng lẻo để cá nhân chiếm hưởng lợi…, dẫn đến nhiều khoản thuế nhà nước bị thất thu, nhiều khoản vốn nhà nước có nguy cơ mất” như các bài báo đã nêu.
Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Sông Đà đã trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Lịch sử phát triển của đơn vị gắn liền với các công trình trọng điểm của đất nước, từ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Vĩnh Sơn, Yaly, Sê San 3, Tuyên Quang…và nay là Sơn La, Lai Châu. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành sớm 3 năm so với nghị quyết của Quốc hội, làm lợi cho Nhà nước trên 20 nghìn tỷ đồng. Năm 2011, vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Sông Đà chỉ có 230 tỷ đồng, với sự chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo đơn vị, năm 2011 vốn Nhà nước tại Tổng Công ty đã là 4.450 tỷ đồng (tăng 19,3 lần so với năm 2011); tổng tài sản là 47.200 tỷ đồng (tăng 28,6 lần so với năm 2011). Ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Tổng Công ty Sông Đà danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và 2 Huân chương Hồ Chí Minh; tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 4 tập thể và 14 cá nhân, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, việc thông tin chính xác về nền kinh tế cả nước nói chung, hoạt động của các ngành, các đơn vị kinh tế lớn nói riêng là hết sức cần thiết. Qua Công văn, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Sông Đà cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin chính thống, xác thực đến Báo Đại biểu nhân dân và các cơ quan truyền thông đại chúng về Tập đoàn Sông Đà để dư luận xã hội hiểu đúng và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay./.