Nghị định phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước
Đời sống - Ngày đăng : 08:40, 17/11/2012
Ảnh minh họa
Theo đó, đối tượng áp dụng Nghị định này gồm: Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào: Doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ; các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước
Chính phủ trực tiếp thực hiện, hoặc phân công cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Người đại diện thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, UBND cấp tỉnh chuyển giao, có các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ gồm: Quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý; chỉ định và đánh giá hoạt động của Người đại diện; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Người đại diện; quyết định mức lương, thưởng, phụ cấp và các lợi ích khác của Người đại diện tại các doanh nghiệp được giao quản lý; báo cáo để Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp được giao quản lý; chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm.
Đối với công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do các tổ chức khác nhau làm chủ sở hữu thì mỗi tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn tương ứng với phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Quyền, trách nhiệm của Chính phủ
Nghị định quy định rõ việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty TNHH một thành viên.
Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể công ty.
Chính phủ ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ của các tập đoàn kinh tế nhà nước và các Tổng công ty: 1- Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; 2- Hàng không Việt Nam; 3- Hàng hải Việt Nam; 4- Đường sắt Việt Nam; 5- Lương thực miền Bắc; 6- Lương thực miền Nam. Ngoài ra, Chính phủ quy định Điều lệ mẫu của tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đồng thời, Chính phủ quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng công ty; số lượng thành viên Hội đồng thành viên và Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) công ty.
Chính phủ quy định chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty; cơ chế giám sát, kiểm tra thực hiện. Đồng thời, quy định chế độ tuyển dụng; chế độ tiền lương, tiền thưởng của công ty; tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty.
Chính phủ cũng quy định chế độ giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn. Đồng thời, quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty...
Quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ
Đối với tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Thủ tướng có quyền quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản. Phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước. Phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác.
Thủ tướng Chính phủ quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.
Thủ tướng có quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên. Đồng thời, phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Thủ tướng phê duyệt Đề án thành lập công ty TNHH một thành viên do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; phê duyệt chủ trương thành lập công ty con 100% vốn nhà nước của tổng công ty nhà nước, công ty thuộc Bộ, UBND cấp tỉnh, theo đề nghị của Bộ, UBND cấp tỉnh.
Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty TNHH một thành viên (bao gồm cả Đề án của tập đoàn kinh tế nhà nước) theo đề nghị của Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh.
Thủ tướng quy định quy chế hoạt động của Kiểm soát viên công ty.
Quyền, trách nhiệm của Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh
Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên tại tập đoàn kinh tế nhà nước, có các quyền, trách nhiệm: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác.
Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành.
Đặc biệt, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế nhà nước. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước. Đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên ngành, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế nhà nước.
Đối với tổng công ty nhà nước, công ty thuộc Bộ, UBND cấp tỉnh, Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh có quyền quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh đối với công ty sau khi trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án. Phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác...
Nghị định cũng quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty.
Bên cạnh doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty TNHH một thành viên, Nghị định cũng quy định cụ thể việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Nghị định 99/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2012.