Vì sao giới trẻ “quay lưng” với khoa học xã hội ?
Giáo dục - Ngày đăng : 08:05, 17/11/2012
Tại cuộc tọa đàm "Đánh giá việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ về công tác trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn" do Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, thạc sĩ Trương Thùy Dương (Viện Sử học Việt Nam) cho biết: Trong vài năm trở lại đây, vai trò và vị thế của ngành khoa học xã hội ngày càng đi xuống. Đa số giới trẻ hiện nay không nhiệt tâm với ngành này, điều đó thể hiện ở tỷ lệ thí sinh đăng ký tuyển sinh vào khối C các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm so với các ngành khác. Con số này vào năm 2009 là 8,2%, giảm xuống 7,6% vào năm 2010 và đến năm 2011 thì chỉ còn 6,4%. Trong xu thế CNH - HĐH hiện nay, các ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật có nhiều ưu điểm hơn, như có nhiều công việc "hot", thu nhập cao... thu hút được rất nhiều thí sinh có năng lực.
Dấu hiệu suy giảm của việc thu hút nguồn lực không chỉ thể hiện ở đầu vào mà còn ở đầu ra của ngành khoa học xã hội. Mặc dù số lượng đào tạo đã giảm nhưng hằng năm, số sinh viên học ngành khoa học xã hội tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm trái nghề vẫn tăng lên. Mới đây, Trường ĐHKHXH&NV đã công bố kết quả khảo sát, cho thấy có 26,2% cử nhân ra trường không có việc làm; 70,8% có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề, chỉ có 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo.
Chính sách tăng lương cho cán bộ trẻ hiện nay cũng chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn, những cán bộ đã có học vị trước khi vào biên chế, khi ký hợp đồng chính thức sẽ được nhận lương theo hệ số 2,67 đối với người có bằng thạc sĩ và hệ số 3,00 với người có bằng tiến sĩ, trong khi đó, những cán bộ có bằng thạc sĩ và tiến sĩ sau khi đã được vào biên chế lại không nhận được mức tăng lương tương ứng. Đây là một bất lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn, chất lượng. |
Bất cập từ chính sách
TS Võ Xuân Vinh, Viện KHXH cho biết, chủ trương của Đảng về đào tạo và tuyển dụng tài năng trẻ là rất rõ ràng và xuyên suốt kể từ khi Nghị quyết 03/NQ/TƯ ngày 18-6-1997 về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước ra đời. Tuy nhiên, khung chính sách đã có chưa toàn diện. Ví dụ, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ra đời muộn (ngày 12-4-2012) và điều đáng quan tâm là nghị định này mới đề cập đến các ưu tiên về tuyển dụng chứ chưa có quy định cụ thể về tiền lương, thu nhập. Trên thực tế, với mức lương trung bình 2,6 triệu đồng/tháng như hiện nay, việc thu hút sinh viên xuất sắc và các nhà khoa học trẻ về công tác trong lĩnh vực khoa học xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác nằm ở quy định về bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Nếu như việc bổ nhiệm trưởng, phó phòng và các chức vụ tương đương chỉ căn cứ trên học vị (trưởng phòng phải có học vị tiến sĩ, phó phòng phải có học vị thạc sĩ - đối với phòng nghiên cứu) thì việc bổ nhiệm các chức vụ cao hơn đang gặp phải những quy định liên quan đến bậc lương. Giả sử, lãnh đạo viện chỉ có thể bổ nhiệm một cán bộ làm phó viện trưởng nếu người này là nghiên cứu viên chính. Vấn đề lương thấp cũng như những quy định cứng nhắc về tiêu chuẩn bổ nhiệm hiện nay không chỉ gây khó khăn trong việc tuyển cán bộ giỏi, mà còn cả trong việc giữ chân cán bộ trẻ tài năng.
Theo thạc sĩ Lê Thương Huyền, Viện Nhà nước và pháp luật, đối với nhiều người, đặc biệt là những nhà khoa học thì môi trường để họ phát huy tài năng là rất quan trọng. Thế nhưng, môi trường thuần túy khoa học ấy lâu nay vẫn mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ. Câu chuyện của những trí thức trẻ trở về sau khi kết thúc thời gian học ở nước ngoài theo Đề án 322 là một ví dụ. Nhiều nghiên cứu sinh, chủ yếu sinh năm 1975-1980, là giảng viên ở các trường đại học lớn đi du học theo đề án, sau khi về nước đã không thể phát huy được "sở học" của mình chỉ vì không có môi trường thuận lợi cho việc phát triển nghiên cứu. Những khó khăn trong việc tạo dựng môi trường nghiên cứu có thể tóm tắt thành "ba không": Không thư viện với tài liệu cập nhật về công trình mình đang nghiên cứu, không hội thảo quốc tế, không có sự giao lưu trao đổi kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu nước ngoài… Chừng ấy khó khăn có thể làm thui chột ước mơ cống hiến cho khoa học của không ít người.
Theo thạc sĩ Trương Thùy Dung, muốn thu hút nguồn nhân lực trẻ, tài năng, phù hợp với phần việc khó khăn của ngành khoa học xã hội thì trước tiên cần phải tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò của ngành này. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù cho việc tạo nguồn cán bộ nghiên cứu khoa học và giảng dạy về khoa học xã hội. Cuối cùng, nên có những chính sách giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người làm công tác khoa học xã hội.