Đến bao giờ khán giả được thỏa mãn?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:44, 17/11/2012

(HNM) - Tại hội thảo

Các kênh truyền hình nước ngoài không có giấy phép biên tập, sẽ phải ngừng cung cấp trên dịch vụ trên truyền hình trả tiền trước ngày 15-11. Ảnh: Như Ý



"Khai tử" hàng chục kênh truyền hình nước ngoài?

Thông báo của Bộ TT-TT cho hay, sau ngày 15-11, các kênh chương trình truyền hình nước ngoài không có giấy phép biên tập sẽ phải ngừng cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam theo đúng quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ban hành tháng 3-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg thì công tác biên tập, biên dịch kênh nước ngoài ở nước ta phải bảo đảm nội dung các kênh, không được trái quy định của pháp luật về báo chí và quảng cáo. Cụ thể, kênh phim truyện, tin tức, khoa học - giáo dục, thể thao, giải trí, phải được biên dịch 100% nội dung chương trình. Điều này đồng nghĩa những kênh chương trình nước ngoài không được biên tập, biên dịch sang tiếng Việt sẽ không được cấp phép phát sóng.

Theo Bộ TT-TT, đến nay đã có 16 kênh chương trình nước ngoài đã được cấp giấy phép biên tập từ Trung tâm Truyền hình thông tấn - Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Trong đó, các kênh truyền hình của Mỹ chiếm 7 kênh (đạt tỷ lệ gần 44%) so với các kênh truyền hình của các quốc gia còn lại như: Trung Quốc (2 kênh) và Hà Lan, Anh, Áo, Pháp, Australia, Đức, Hàn Quốc (đều 1 kênh).

Theo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam thì đến năm 2015 sẽ có khoảng 30-40% số hộ gia đình lựa chọn dịch vụ truyền hình trả tiền. Đến năm 2020, phát triển khoảng 70-80% số hộ gia đình lựa chọn dịch vụ truyền hình trả tiền.

Đại diện Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho hay, hiện Việt Nam có 75 kênh truyền hình nước ngoài. Chỉ với 16 kênh được cấp phép nêu trên, đồng nghĩa việc hàng chục kênh truyền hình nước ngoài còn lại sẽ bị "khai tử".

Trả tiền vẫn chịu thiệt

Thực tế, hiện nay phần lớn khán giả có điều kiện xem truyền hình trả tiền kênh nước ngoài đều cho rằng có quá nhiều kênh không đặc sắc và không có nhu cầu, thậm chí nhiều người gần như không lướt qua một lần kể từ khi nhà đài cung cấp dịch vụ.

Anh Nguyễn Vân Sơn (ngụ đường 12, quận 2, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây vài năm, khi gia đình có điều kiện xem truyền hình cáp mọi thành viên đều rất vui vì nghĩ rằng có nhiều kênh thì sẽ có nhiều lựa chọn cho mỗi sở thích khác. Thế nhưng khi xem được vài tháng mọi người đều tỏ ra không hứng thú, bởi chỉ có một số kênh xem được thuộc các chuyên mục như: Phim truyện, thể thao, khoa học - giáo dục, giải trí nhưng đa phần đều "nhạt" so với nhu cầu.

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhận định, hiện có quá nhiều kênh nước ngoài, phần lớn kênh trong số đó không đạt hiệu quả cao cho người xem. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có các tiêu chí lựa chọn cụ thể và khắt khe hơn cũng như đưa ra các quy định chặt chẽ trong việc chọn lọc kênh truyền hình nước ngoài để phục vụ người xem ngày càng tốt hơn.

Mặt khác, khi có dịch vụ truyền hình cáp thì lại nảy sinh ra chuyện bản quyền giữa các nhà đài trong một số chương trình "hót", khiến cho khán giả cũng rơi vào vòng xoáy chạy đua theo các chương trình trên. "Tôi là một fan hâm mộ bóng đá, đặc biệt các giải bóng đá Châu Âu, thế nhưng dù xem truyền hình cáp thì cũng không thể xem được hết các trận đấu hấp dẫn nhất. Muốn xem hết thì phải lắp thêm chảo K+, chưa kể trước đó cũng đã lắp đầu thu kỹ thuật số VTC HD. Như vậy tốn kém đủ đường. Không biết câu chuyện này khi nào mới chấm dứt, chỉ biết khách hàng là người chịu thiệt". Chị Nguyễn Thị Bích Thuyên (ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bức xúc.

Theo Thông tư 09/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào tháng 7-2012, danh mục 10 kênh chương trình truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu gồm: Đài Truyền hình Việt Nam: thời sự và chính trị tổng hợp - VTV1; khoa giáo và giáo dục - VTV2; đối ngoại - VTV4; tiếng dân tộc - VTV5. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC: thời sự và chính trị tổng hợp - VTC1; let việt - VTC10; phòng chống giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa, phục vụ cộng đồng - VTC14; nông nghiệp, nông thôn, nông dân - VTC16. Thông tấn xã Việt Nam: Truyền hình thông tấn - Vnews. Trung tâm Điện ảnh, phát thanh, truyền hình Công an nhân dân (Bộ Công an) - AnninhTV.

Hà Tuấn