Cần “đặt bài” đúng, trúng

Công nghệ - Ngày đăng : 06:41, 16/11/2012

(HNM) - Để KHCN có thể phát triển thì việc đầu tiên là cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường để tránh đầu tư lãng phí.

Công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) thi công lắp ráp các thiết bị kỹ thuật tại công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.


Đánh giá đúng nhu cầu

Để KHCN có thể phát triển thì việc đầu tiên là cần đánh giá đúng nhu cầu thị trường để tránh đầu tư lãng phí. Khi thị trường đã đủ lớn thì việc xác định phát triển đến đâu cũng là vấn đề cần xác định rõ. Phần lớn các chủ đầu tư và một số cơ quan quản lý cho rằng, chỉ cần làm chủ công nghệ trong khâu vận hành, sử dụng, còn phần cung cấp thiết bị, xây lắp thì nên đấu thầu quốc tế nhằm mục tiêu mua được thiết bị rẻ. Quan điểm thứ hai cho rằng cần phân tích cụ thể các chương trình phát triển kinh tế, xã hội lớn của đất nước để đầu tư phát triển KHCN đúng hướng nhằm tạo sự phát triển bền vững.

Ông Phan Công Hợp, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ Công thương) cho biết, quan điểm thứ hai về phát triển tiềm lực KHCN là đúng đắn. Điều này góp phần làm giảm nhập siêu, đem lại cân bằng cho cán cân xuất nhập khẩu. Những năm gần đây, hằng năm nước ta phải nhập siêu trên 20 tỷ USD, trong đó phần lớn là máy móc thiết bị, chủ yếu là do không làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo. Việc đầu tư phát triển KHCN đúng cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động. Theo tính toán, nếu Việt Nam làm chủ được các công nghệ, đủ cung cấp 50% nhu cầu nội địa thì mỗi năm sẽ có hơn 7 tỷ USD đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người sẽ có việc làm.

Định hướng trên đã được chứng minh bằng những kết quả đáng ghi nhận từ các đơn vị nghiên cứu trong thời gian qua, điển hình là Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME). Trong công nghiệp xi măng, NARIME và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã hợp tác với Tập đoàn Thiên Tân (Trung Quốc) thông qua việc mua thiết bị chính kèm theo thiết kế cơ sở của Thiên Tân. Với kinh nghiệm sau nhiều năm, NARIME và LILAMA đã thiết kế chế tạo và cung cấp 40% thiết bị cho Nhà máy xi măng Sông Thao. Trong lĩnh vực thủy điện, trước năm 2005 Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết thiết bị cơ khí thủy công. Nhưng với chủ trương nội địa hóa cao nhất có thể, đến nay, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có thể chế tạo cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, giá thành rẻ đáng kể so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Với cách làm như trên, trong lĩnh vực dầu khí, khai thác chế biến khoáng sản… nước ta cũng đã có những thành công nhất định trong việc nâng cao hàm lượng công nghệ nội địa.

Thiếu một định hướng tổng thể

Tuy nhiên, đó chỉ là phần thành công rất nhỏ và trong thực tế, không thể phủ nhận là trong thời gian qua, đóng góp của KHCN vào các chương trình kinh tế, xã hội lớn của đất nước còn hạn chế. Bằng chứng là hầu hết các dự án lớn của đất nước đều do nước ngoài làm tổng thầu. Nguyên nhân là do chúng ta kém về năng lực quản lý dự án, khả năng thiết kế và năng lực chế tạo thiết bị. Đáng lưu ý là đến nay, những bất cập này chưa có sách lược khắc phục và tiềm lực KHCN của nước nhà đang tụt hậu.

Theo nhiều nhà nghiên cứu quản lý KHCN, thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta chưa xác định rõ các lĩnh vực KHCN cần phát triển. Nếu có định hướng sớm thì các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ chủ động đầu tư nhân lực, tài chính để làm chủ về công nghệ chế tạo, thiết kế, xây lắp và sẽ có đội ngũ nhân lực KHCN đảm đương được nhiệm vụ đó. Ví dụ, Bộ Công thương xác định thiết bị cơ khí thủy công có thể chế tạo trong nước, nhưng do chúng ta chưa có năng lực thiết kế nên đã giao cho NARIME nhiệm vụ mua thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Hiệu quả rõ ràng: chỉ với 5 dự án chỉ định thầu với kinh phí 100.000USD, đến nay các sản phẩm thủy công trong nước đã có chỗ đứng trên thị trường. Rõ ràng là việc định hướng đúng giúp cho khâu thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Nguyên nhân nữa phải kể đến là nước ta thiếu chính sách bảo hộ thị trường để KHCN có cơ hội phát triển, thời gian tới cần có sự phối hợp tổng thể của các bộ, ngành, các thành phần kinh tế để thực hiện những mục tiêu chiến lược trong một kế hoạch chung. Ví dụ, kinh phí đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2007-2025 vào khoảng 80-100 tỷ USD; nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể nội địa hóa 50% thiết bị nhưng các chủ đầu tư thường không muốn cho các doanh nghiệp trong nước làm nhà thầu chính và hậu quả là làm khó cho việc đàm phán, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị bị hạ thấp.

Cuối cùng, Việt Nam cũng không xây dựng được các mục tiêu cụ thể cho phát triển tiềm lực KHCN, hoặc nếu có thì không có cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu này.

Để KHCN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế, xã hội thì các nguyên nhân nói trên phải được giải quyết rốt ráo.

Liên Cơ