BBC lao đao vì bê bối

Thế giới - Ngày đăng : 06:19, 16/11/2012

(HNM) - Sai lầm nghiêm trọng về tên nhân vật trong một phóng sự về xâm hại tình dục hàng thập kỷ trước trên chương trình Newsnight cách đây ít ngày không chỉ làm tổn hại uy tín của Hãng truyền thông Anh (BBC) mà còn khiến hãng này đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự đáng lo ngại.


Sau khi Tổng Giám đốc George Entwistle lên tiếng từ chức và bồi thường 715.000 USD, Giám đốc Bản tin BBC Helen Boaden cùng cấp phó Stephen Mitchell đã bị đình chỉ chức vụ và ít nhất 4 giám đốc điều hành cao cấp khác đang đối mặt với nguy cơ sa thải khi BBC điều tra tại sao sản phẩm báo chí nhầm lẫn tai hại như vậy lại được lên sóng Newsnight. Chủ tịch Hội đồng quản trị của BBC Chris Patten cũng đang phải gồng mình trước sức ép của dư luận yêu cầu từ chức. Tuy nhiên, việc C.Patten ra đi vào thời điểm này chưa chắc đã là một quyết định đúng đắn đối với tương lai của BBC. Nhiều quan chức hàng đầu của Anh như Thủ tướng David Cameron, Bộ trưởng Văn hóa truyền thông Maria Miller đều muốn trao cho ông C.Patten một cơ hội để chứng tỏ bản thân bằng cách nhanh chóng ổn định lại hãng truyền thông nổi tiếng nhất xứ Sương mù.

Có điều, sau những gì vừa xảy ra, chặng đường tiếp theo của C.Patten không hề dễ dàng khi BBC đang phải đứng trước thách thức rất lớn về niềm tin với độc giả. Trưởng biên tập tin trong nước của BBC Mark Easton cho rằng, BBC hiện đang ở trong tình thế hết sức nguy hiểm vì toàn bộ tương lai của hãng phụ thuộc vào việc có thuyết phục được người dân Anh rằng đây chính là tổ chức mà họ tin tưởng được hay không. Bản thân C.Patten cũng nhận thức được những khó khăn này khi thừa nhận, công việc của ông sẽ sớm kết thúc nếu như không xoay chuyển tình hình một cách nhanh chóng.

Đáng nói là cuộc "khủng hoảng lòng tin" diễn ra trong bối cảnh BBC đang trong cơn khủng hoảng phát triển từ nhiều năm nay. Đây là lý do khiến hãng truyền thông này buộc phải xem xét lại chiến lược hoạt động cũng như cắt giảm tới 7.000 nhân viên và đã lên kế hoạch cắt giảm 2.000 nhân viên nữa trong 5 năm tới. Theo chiến lược mới, BBC phải thu nhỏ cả quy mô - đóng cửa 2 đài phát thanh, cắt giảm khoảng 50% số trang trên website - cũng như ngân sách và biên chế.

Hiện tại ngoài kế hoạch cải tổ toàn diện cơ cấu quản lý, tìm kiếm các nhân vật có uy tín để hoàn thiện bộ máy nhân sự cấp cao đột ngột thiếu vắng, BBC còn phải giải quyết êm xuôi mọi rắc rối liên quan tới cựu phát thanh viên truyền hình của hãng này Jimmy Savile, vừa qua đời hồi năm 2011 ở tuổi 84. Là một trong những MC được yêu thích nhất ở Anh, song thời gian gần đây, J.Savile bị cáo buộc xâm hại tình dục đến 300 trẻ em trong vòng 40 năm. Đây được xem là một trong những bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh. BBC cũng phải đối mặt với cáo buộc bao che cho nhân viên khi không phát sóng một phóng sự điều tra liên quan tới vụ việc được cho là mâu thuẫn với một chương trình trước đó của hãng này từng ca ngợi ông J.Savile. Để chứng minh là vô can trong vụ việc, thời gian tới, BBC phải mở cuộc điều tra nội bộ về những cáo buộc với J.Savile trong thời gian "đối tượng" còn làm cho hãng. Tóm lại, đúng như ông C.Patten cảnh báo, "số phận" của BBC sẽ lành ít dữ nhiều nếu như không nhanh chóng khôi phục được lòng tin trong làng truyền thông.

Quỳnh Chi